Tập huấn TOT cho dự án quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn

Môi trường - Ngày đăng : 17:27, 14/10/2020

(TN&MT) - Vừa qua, UBND thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tổ chức khóa tập huấn TOT cho Ban chỉ đạo, Ban điều hành và nhóm chuyên gia dự án quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn.

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã, phường ven biển thuộc vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định” do chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, chương trình tài trợ nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tài trợ từ nguồn vốn của Chính phủ Na Uy và kinh phí đối ứng của UBND thành phố Quy Nhơn.

Từ ngày 05-07/10/2020, UBND thành phố Quy Nhơn tổ chức tập huấn TOT cho Ban chỉ đạo, Ban điều hành và nhóm chuyên gia dự án quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn.

Khóa tập huấn TOT cho Ban chỉ đạo, Ban điều hành và nhóm chuyên gia dự án quản lý tổng hợp rác thải nhựa vịnh Quy Nhơn.

Tham gia khóa tập huấn có 30 đại biểu là đại diện cho cán bộ các Sở ban ngành của tỉnh Bình Định, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hiệp hội Thủy sản, Hội Liên hiệp Phụ nữ và cán bộ các phòng ban trực thuộc của thành phố Quy Nhơn, Công ty CP Đô thị Môi trường, đại diện lãnh đạo và đại diện Hội Phụ nữ 4 xã/phường Ghềnh Ráng, Nhơn Châu, Nhơn Lý và Nhơn Hải (là thành phần Ban chỉ đạo, Ban điều hành và nhóm chuyên gia dự án) trên địa bàn thành phố Quy Nhơn.

Giảng dạy tại lớp tập huấn có PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, thành viên Ban chỉ đạo quốc gia GEF SGP, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam và TS. Chu Mạnh Trinh, chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, người được gọi là tiến sĩ “cộng đồng”.

Học viên tham gia trải nghiêm thực tế về phân loại và xử lý rác thải nhựa

Theo tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, TOT trong trường hợp này nghĩa là khóa học đào tạo giảng viên hoặc cũng có thể hiểu là Training of Trainers. Có nghĩa là những người tham gia khóa đào tạo này sẽ trở thành những giảng viên, những tuyên truyền viên. Những người này sẽ tiếp tục đào tạo ra những tuyên truyền viên khác và cứ thế nó lan tỏa theo “Mô hình lan tỏa đa cấp cộng đồng”.

Khóa tập huấn diễn ra trong 3 ngày, các học viên được học tập trải nghiệm thực tế tại bãi rác Long Mỹ, ở phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn; tìm hiểu tình hình thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình ở xóm dưới- xóm làng chài, khu vực I, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn; làm việc nhóm, phân tích các bên liên quan con đường đi của rác trong thành phố Quy Nhơn, qua đó phát họa một kế hoạch tổng hợp nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng.

Học viên trải nghiệm thực tế về các giải pháp xử lý ô nhiễm rác thải nhựa

Qua 3 ngày trải nghiệm và học tập thực tế, các học viên rút ra được những bài học giá trị về tầm quan trọng trong việc quản lý rác thải cùng các giải pháp xử lý ô nhiễm rác thải nhựa và đại dương. Trách nhiệm này đòi hỏi sự nỗ lực và sự đoàn kết của tất cả mọi người từ cơ quan Trung ương đến địa phương, từ cộng đồng địa phương đến khách du lịch và các cam kết hành động cụ thể để giảm thiểu việc sử dụng túi nhựa và đồ nhựa, thay thế chúng bằng những vật liệu thân thiện với môi trường có sẵn tại địa phương, với mục tiêu ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa bắt đầu từ chính con người. Bởi, chỉ có con người mới đảm bảo một tương lai khỏe mạnh cho bản thân, cho đại dương và hành tinh này.

Mỹ Bình