Ninh Bình: Lo ngại hàng loạt cảng than ngoài đê sông Đáy cản trở hành lang thoát lũ trước bão số 7

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 15:52, 14/10/2020

(TN&MT) - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 7 có thể đi vào vùng biển từ Thái Bình đến Nghệ An, trong đó có cả tỉnh Ninh Bình. Người dân lo ngại việc hàng loạt cảng than nằm án ngữ phía ngoài đê sông Đáy thuộc địa bàn xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) với những núi than chất cao như núi có thể ảnh hưởng tới dòng chảy và không gian thoát lũ.

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin, tại phía ngoài đê sông Đáy thuộc địa bàn xã Khánh Phú, hàng vạn tấn than được chất cao như núi; nhà cửa, xưởng sản xuất, cảng bốc xếp hàng hoá… được xây dựng án ngữ ngay trên hành lang thoát lũ, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều là hoàng loạt những vi phạm của các doanh nghiệp tại đây được các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đã chỉ rõ.

Người dân lo ngại hàng chục núi than nằm phía ngoài đê sông Đáy sẽ gây cản trở dòng chảy trước bão số 7.

Các công ty bao gồm: Công ty TNHH Cảng đạm Ninh Bình, Công ty TNHH Tiến Mạnh, Công ty TNHH Mặt trời việt Ninh Bình, Công ty TNHH An Gia Bình, Công ty Cổ phần kinh doanh than miền Bắc – Vinacomin, Công ty đầu tư và thương mại Nam Phương Anh, Công ty TNHH Long Sơn, Công ty đầu tư thương mại Ninh Bình, Công ty TNHH TM&DV Hoà Khánh, Công ty TNHH Tân Phù Đổng... là những công ty hiện đang hoạt động tập kết than, đóng tàu, bốc xếp hàng hoá, xây dựng nhà xưởng, lán trại… án ngữ ngay phía ngoài đê sông Đáy vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ đê điều, ảnh hưởng tới không gian thoát lũ.

Một số cảng than vẫn đang hoạt động, xe tải vẫn ra vào "ăn hàng", tàu vẫn cập cảng.

Hàng loạt các núi than được chất cao nằm án ngữ ngay trên không gian thoát lũ và hành lang bảo vệ đê.

Theo ông Lâm Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục đê điều (thuộc sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình), vào cuối năm 2019, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, Chi cục đã phối hợp cùng các đoàn liên ngành đi kiểm tra tại khu vực phía ngoài đê sông Đáy thuộc địa bàn xã Khánh Phú.

“Qua kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh than, đóng tàu, buôn bán vật liệu xây dựng… tại đây đều vi phạm luật đê điều; tập kết, xây dựng nhà xưởng, lán trại… vi phạm vào hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê. Đoàn liên ngành đã tiến hành lập biên bản xử phạt đồng thời cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ra quyết định xử phạt đối với những công ty vi phạm”, ông Tuấn nói.

Than của các công ty được chất cao như núi.

Trước đó, người dân đã kéo nhau ra tận trụ sở một số công ty để yêu cầu dừng hoạt động do ô nhiễm.

Theo đó, từ tháng 5/2019, đoàn kiểm tra liên ngành theo quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 đã tiến hành kiểm tra đối với các công ty trên, chỉ ra hàng loạt sai phạm. Đồng thời với những vi phạm trên, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình yêu cầu các công ty tự tổ chức giải toả, tháo dỡ những công trình vi phạm ra khỏi phạm vi bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu.

Tuy nhiên, mới đây người dân tại xã Khánh Phú lại tiếp tục phản ánh và kéo đến trụ sở một số cảng than để phản đối yêu cầu dừng hoạt động do lo ngại trong mùa mưa lũ việc tập kết hàng núi than sẽ gây cản trở dòng chảy, đe dọa tới an toàn đê điều trước bão số 7.

Một số công ty vẫn cho máy móc hoạt động bất chấp mưa, lũ...

Than được chất cao gấp nhiều lần mặt đê...

Từ phản ánh của người dân, ghi nhận thực tế tại đây, hàng loạt các Công ty trên vẫn đang tiếp tục có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ đê điều, vi phạm ảnh hưởng tới không gian thoát lũ. Hàng chục núi than lại tiếp tục đua nhau tập kết cao cả chục mét, nhà xưởng, cầu cảng đua nhau mọc, án ngữ trên hành lang bảo vệ đê và không gian thoát lũ, gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng tới sức khoẻ, đời sống của người dân.

Mùa nắng, các bãi tập kết than liên tục gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Mặc dù bão số 7 đã tiến sát vào đất liền thế nhưng, theo ghi nhận tại đây, một số cảng than vẫn đang hoạt động, xe tải vẫn ra vào “ăn hàng” để đưa đi tiêu thụ, tàu thuyền vẫn cập cảng để nhập hàng.

Trước những bức xúc của người dân khi mùa nắng thì phải chịu sự bụi bặm, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn từ máy móc nghiền than hoạt động liên tục ầm ĩ. Mùa mưa thì lo ngại việc tập kết hàng chục núi than gây cản chở dòng chảy, ảnh hưởng tới không gian thoát lũ, đe dọa sự an toàn của tuyến đê. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình khẩn trương vào cuộc kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với những bãi than vi phạm tại địa bàn xã Khánh Phú để người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Việt Linh