Đối phó bão số 7: Có thể cưỡng chế di dân để đảm bảo an toàn
Tin tức - Ngày đăng : 11:36, 14/10/2020
Đó là chỉ đạo của ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai khi chủ trì cuộc họp về đối phó với bão số 7, sáng nay (14/10).
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp sáng 14/10 |
Bão số 7 gây gió mạnh, mưa lớn trọng tâm đến chiều 14/10
Thông tin tình hình bão số 7, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, rạng sáng nay (14/10), bão số 7 đã đi vào vịnh Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của bão, trên vịnh Bắc Bộ sẽ có gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11; khu vực biển ven bờ gió mạnh cấp 7, cấp 8 giật cấp 10. Các khu vực đất liền phía đông Bắc Bộ và Nghệ An, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Thời gian gió mạnh nguy hiểm nhất tập trung từ sáng đến chiều nay.
Ông Khiêm lưu ý, gió mạnh sẽ tác động đến tuyến đê biển khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là đê biển các tỉnh Nam Định, Thái Bình.
Do hoàn lưu cơn bão số 7 tương đối rộng, ngay trong sáng nay đã gây mưa một số nơi ở khu vực Bắc Bộ. Lượng mưa tăng cường, mạnh bắt đầu từ trưa nay và sẽ tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Hoàn lưu mưa có thể kéo dài trước, trong và sau bão với tổng lượng mưa cả đợt ước tính khoảng 200-300mm, trọng tâm mưa tập trung ở các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, đồng bằng Bắc Bộ.
Với lượng mưa như vậy, ông Khiêm nhận định, lũ trên thượng lưu sông Mã, sông Cả ở mức BĐ1, BĐ2; riêng thượng lưu sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, sông Hiếu, sông Bưởi lên mức BĐ2, BĐ3; hạ lưu sông Mã dưới BĐ1. Đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi cũng như ngập ở vùng trũng, khu đô thị; trong đó có thủ đô Hà Nội.
Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia |
Theo ông Khiêm, trong hơn một tuần vừa qua, chúng ta đang ở trong nền nhiệt của không khí lạnh, kết hợp với mưa hiện nay sẽ khiến nhiệt độ giảm thêm 4-5 độ so với ngày mấy ngày trước đây.
Lưu ý về 1 ATNĐ tiếp theo gần biển Đông, ông Khiêm cho biết, ATNĐ này có đặc điểm là di chuyển khá nhanh, dự kiến sáng mai (15/10) sẽ đi vào khu vực biển Đông và nhiều khả năng mạnh lên thành cơn bão số 8 hướng về khu vực miền Trung. Đáng chú ý, trong ngày 16,17/10 tiếp tục có một đợt không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoàn lưu ATNĐ khả năng mạnh lên thành bão nói trên và ảnh hưởng đến khu vực miền Trung.
“Nếu kịch bản như trên xảy ra, khả năng miền Trung lại đối mặt với một đợt mưa lớn diện rộng có thể kéo dài đến ngày 20/10; đặc biệt là Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cảnh báo xảy ra một đợt lũ mới ở miền Trung trong khoảng ngày 16-18/10”, ông Khiêm nói.
Huy động nguồn lực, chỉ đạo ứng phó
Trước nhận định về diễn biến bão số 7 và ATNĐ ngoài biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão số 8, đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, ngập lụt ở miền Trung, ông Vũ Xuân Thành Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các đơn vị tập trung chỉ đạo ứng phó bão số 7, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ ngoài biển Đông để có hội chẩn, tham mưu cho BCĐ và Chính phủ có chỉ đạo tiếp theo.
Qua báo cáo của các đơn vị, địa phương, để đối phó với bão số 7, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt các giải pháp; đặc biệt Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trịnh Đình Dũng đã có công điện số 25 chỉ đạo trực tiếp cho cơn bão số 7 với các nội dung cụ thể cho các địa phương.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nội dung của công điện số 25 của Phó Thủ tướng; trong đó nhấn mạnh: “Các tàu thuyền cơ bản đã vào bờ neo đậu, tuy nhiên ở khu vực Quảng Ninh vẫn còn một số tàu thuyền vẫn hoạt động, tuy chưa tổ chức cấm biển song đề nghị Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cùng với địa phương quyết liệt kêu gọi tàu thuyền vào bờ để đề phòng các tai nạn. Đặc biệt, tại nơi neo đậu, cử cán bộ kỹ thuật đến từng khu neo đậu hướng dẫn tàu thuyền neo đậu”, ông Thành nói.
Bên cạnh đó, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục đảm bảo an toàn cho lồng bè và người trên các lồng bè; tiếp tục tổ chức thu hoạch lúa, tiêu nước đệm hạn chế ảnh hưởng của ngập lụt.
“Đặc biệt, tập trung rà soát di dân, đặc biệt là dân ở khu vực ngoài các tuyến đê biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, khu vực nhà yếu… Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn”, ông Thành nhấn mạnh.
Về an toàn hồ chứa đê điều, ông Thành yêu cầu tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng về rà soát đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất là công trình xung yếu đang bị sự cố và công trình đang thi công. Đối với các tỉnh bị ảnh hưởng của bão, lưu ý các hồ đã đầy nước (nhất là các hồ thủy điện lớn). Đồng thời, lưu ý các tuyến đê đang thi công như đê Bình Minh 4 (Ninh Bình), đê Quỳnh Lưu (Nghệ An), tuyến đê xung yếu như ở Nam Định…