Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang trực tiếp chỉ đạo vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3

Thời sự - Ngày đăng : 23:58, 13/10/2020

(TN&MT) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang có mặt ở hiện trường và yêu cầu lực lượng cứu nạn, cứu hộ cần tìm các phương án để tiếp cận hiện trường...

Liên quan đến vụ việc sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, chiều 13/10, ngay sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Phú Bài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và đoàn công tác đã cấp tốc di chuyển bằng ô tô về khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) – nơi xảy ra sự cố sạt lở vùi lấp nhiều công nhân...

Tuy nhiên do đường lên thủy điện Rào Trăng 3 đang bị sạt lở nghiêm trọng, đoàn công tác Phó Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế không thể tiếp cận hiện trường, phải quay lại trụ sở UBND xã Phong Xuân để họp khẩn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Thừa Thiên Huế khảo sát hiện trường. Ảnh Lê Thọ

Báo cáo với Phó thủ tướng và đoàn công tác, lãnh đạo Quân khu 4 cho biết công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết và khối lượng đất đá sạt lở rất lớn. Bộ đội công binh đang dùng mọi phương tiện để mở đường vào khu vực nhà máy thủy điện, hiện các lực lượng còn cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 2km.

Theo Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, phương án tiếp cận mục tiêu được lựa chọn là đi theo tuyến đường 71 bằng xe cơ giới chở lực lượng công binh. Lực lượng này sẽ mở đường vào vị trí cứu hộ. Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ theo đường thủy để đi từ nhà máy thủy điện Hương Điền để lên thủy điện Rào Trăng 3.Trong trường hợp thời tiết thuận tiện, Quân khu 4 sẽ sử dụng phương án điều động thêm máy bay trực thăng để khảo sát và cứu hộ.

Hiện tại đã có 2 trực thăng của Sư đoàn 372 sẵn sàng tiếp cận đường không, vận chuyển lương thực, thực phẩm, cứu nạn cứu hộ. Ngoài ra, tổ chức hai đội thông tin cơ động để cơ động vào hiện trường; tổ chức lực lượng chuyên môn như công binh, giao thông vận tải, lực lượng chuyên môn của tỉnh, quân khu, quân đội; đảm bảo quân y, hậu cần…

Xe cứu thương có mặt ở hiện trường

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các lực lượng cứu nạn, cứu hộ cần tìm các phương án để tiếp cận hiện trường, có thể từ đường Hồ Chí Minh; huy động thêm các phương tiện, máy móc để giải phóng nhanh đường đi để tiếp cận. Tập trung các phương án gồm 4 tại chỗ đã đề ra. Các lực lượng tỉnh, quân đội, công an… huy động, tập trung để tiếp cận thật nhanh hiện trường.

Đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Quốc phòng chuẩn bị y bác sỹ và lực lượng quân y, thuốc men… Trước hết cấp cứu những người sống sót, sau đó chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường, chuẩn bị nước uống; không để dịch bệnh bùng phát.

“Quân khu 4 phải đáp ứng mọi điều kiện cần thiết để tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, kịp thời cấp cứu các nạn nhân bị vùi lấp. Trong quá trình tham gia tìm kiếm phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện và khẩn trương khắc phục sự cố", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đánh giá cơn bão số 7 có vùng ảnh hưởng rất rộng, mưa lũ sẽ xảy ra nên các địa phương phải tập trung đảm bảo an toàn cho người dân. “Sạt lở đất đã xảy ra và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thế nên tôi yêu cầu các đồng chí tiếp tục rà soát các khu vực dễ bị sạt lở đất, chủ động sơ tán dân...”, Phó Thủ tướng nói.

Nhiều xe chuyên dụng được điều động thêm

Theo nguồn tin của PV, chiều tối 13/10, thêm nhiều chuyến xe đưa phương tiện và nhiên liệu lên khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để thi công xuyên đêm mở đường vào vùng sạt lở.  Trong khi đó tại UBND xã Phong Xuân, rất nhiều người thân của các công nhân ở thủy điện đang gặp sự cố cũng thấp thỏm lo âu với hi vọng tất cả an toàn...

Trước đó vào ngày 12/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được một cuộc điện thoại của người dân gọi thông báo tại thủy điện Rào Trăng 3 đang gặp sự cố sạt lở, nhiều công nhân bị vùi lấp, mắc kẹt.

Người báo tin về sự cố trên phải trèo lên đỉnh núi mới có sóng để gọi điện báo tin cho lãnh đạo tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Ngay sau khi nhận tin, lãnh đạo tỉnh đã gọi lại cho người cung cấp tin nhưng không liên lạc được.

Khu vực lán trại mà công nhân ở, nơi có thể xảy ra sạt lở

Trong chiều 12/10, đoàn công tác 21 người do ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu cùng chiến sĩ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã lên đường vào rừng xác minh, ứng cứu. Lúc 23h, đoàn tiếp cận báo về còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3km. Tuy nhiên do thời tiết xấu, trời tối và địa hình sạt lở nên việc tiếp cận khó có thể diễn ra tiếp tục; đoàn quyết định vào Trạm Kiểm lâm số 7 thuộc tiểu khu 67 (đóng trên đường di chuyển) nghỉ ngơi để sáng sớm tiếp tục lên đường.

Đến khoảng 1h sáng hôm sau, sạt lở và lũ bất ngờ quét qua khu vực này khiến đoàn công tác gặp nạn, hiện đã liên lạc được 8 người, còn 13 người vẫn chưa liên lạc được.  Đến thời điểm này, số công nhân bị gặp nạn là 17 người cùng với 13 người trong đoàn cứu hộ mất liên lạc thì số người gặp nạn là 30 người.

Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập Sở Chỉ huy tiền phương tại trụ sở UBND xã Phong Xuân để chỉ đạo công tác tiếp cận các điểm sạt lở và thủy điện Rào Trăng 3.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vừa quyết định hoãn tổ chức Đại hội Đảng bộ để tập trung ứng phó thiên tai.

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật.

VĂN DINH