Sa Pa – Lào Cai: Nhiều hộ dân xã Bản Hồ khốn khổ vì Nhà máy thủy điện Sử Pán 1

Tiếng dân - Ngày đăng : 17:09, 13/10/2020

(TN&MT) - Gần hai năm nay, hàng chục hộ dân ở xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa (trước là huyện Sa Pa) “bỗng dưng” lâm vào cảnh “khuynh gia bại sản”, nợ lần chồng chất chỉ sau một đêm.

Đó là đêm 23/6/2019, khi Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 đột ngột xả lũ cuốn trôi hết tải sản của họ. Điều đáng trách là kể từ đó đến này, chưa một lần lãnh đạo, cán bộ nào của nhà máy thủy điện Sử Pán 1, có động thái đến thăm hỏi, động viên và phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân.

Quá bức xúc trước thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Nhà máy thủy điện Sử Pán 1, từ đâu năm 2020 đến nay, hàng chục hộ dân ở xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa đã kéo nhau đi khắp các cơ quan công quyền trên địa bàn tỉnh Lào Cai và lên cả Trung ương đề nghị can thiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho gia đình họ. Đặc biệt, đã có ít nhất 12 hộ dân ở xã này làm đơn tập thể khởi kiện Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long – là chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo đơn kêu cứu của người dân, vừa qua, phóng viên Báo TN&MT đã quay trở lại xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa để tìm hiểu thực tế. Tại đây, người dân chỉ cho chúng tôi thấy, hình ảnh về trận lũ kinh hoàng do hồ thủy điện Sử Pán 1 đột ngột mở cả 4 của xả đáy nhưng không thông báo trước vào đêm 23/6/2019, là những vệt bùn đất vẫn còn in trên tường, vách và mái nhà ở của họ. Nhiều người không cầm được nước mắt khi kể cho chúng tôi nghe về ký ức kinh hoàng và những khó khăn chồng chất mà gia đình họ đã phải gánh chịu suốt hai năm sau cái đêm thoát chết, nhưng mất hết tài sản vì nước lũ đột ngột tràn về.

Nhiều người dân xã Bản Hồ rớt nước mắt nói về những cơ cực mà họ phải chịu đựng do trận lũ để lại.

Bà Nông Thị Hoa, thôn Bản Dền, xã Bản Hồ, ngậm ngùi chia sẻ: Người dân xã Bản Hồ chúng tôi đã nhiều đời nối tiếp nhau sinh sống bên con suối Mường Hoa này, chưa bao giờ gặp phải một trận lũ ghê gớm đến thế. Điều đó đã phần nào khẳng định, nếu hồ thủy điện Sử Pán 1 không đột ngột mở 4 cửa xả đáy vào đêm 23/6/2019, thì lũ quét đã không xảy ra, tài sản của chúng tôi không bị cuấn trôi khiến cuộc sống bị đảo lộn. Điều khiến tôi giận nhất là, sau trận lũ, chỉ có cán bộ nhà nước đến thăm hỏi động viên, giúp đỡ người dân chúng tôi khắc phục hậu quả thôi còn cán bộ Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 thì chưa bao giờ đến cả. Đặc biệt là họ không chịu đền bù thiệt hại cho chúng tôi mà nói rằng, chỉ hỗ trợ người dân với số tiền rất nhỏ so với hậu quả mà họ gây ra.

Bà Hoa đưa cho chúng tôi bằng chứng, qua 3 lần thống kê của chính quyền xã Bản Hồ và thị xã Sa Pa, trận lũ tối ngày 23/6/2019, đã gây thiệt hại cho gia đình hơn 1,6 tỷ đồng. Thế nhưng, cơ quan chức năng lại ra văn bản có nội dung không phải đền bù mà là hỗ trợ thiệt hại. Theo đó, gia đình tôi chỉ được nhận số tiền là 56 triệu đồng. Nếu đặt mình vào vị trí của người dân chúng tôi thì cán bộ và nhà báo có chấp nhận được không?” – bà Hoa buồn bã đặt câu hỏi.

Bà Nông Thị Hoa thôn Bản Dền, xã Bản Hồ chỉ cho chúng tôi biết những dấu ấn của trận lũ đêm ngày 23/06 để lại.

Tương tự, theo thống kê của UBND xã Bản Hồ, gia đình anh Đào A Phổng ở thôn Bản Dền bị thiệt hại tài sản lên đến hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, với cụm từ “hỗ trợ thiệt hại” thì gia đình anh Phổng sẽ chỉ nhận về tối đa số tiền là hơn 373 triệu đồng. Không chấp nhận, gia đình anh Phổng cùng nhiều hộ dân trong thôn đã kéo nhau đi khắp nơi cầu cứu, đồng thời, khởi kiện Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long ra tòa để đòi quyền lợi.

Anh Đào A Phổng cho biết: Trận lũ đó đã cuốn đi tất cả tài sản mà nhiều thế hệ trong gia đình tôi nối tiếp nhau mới gây dựng được. Từ chỗ có của ăn của để, gia đình tôi bị đẩy vào cảnh phải đi vay nợ ngân hàng, anh em bạn bè với số tiền hơn 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả, ốn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Thiệt hại của chúng tôi là do nhà máy Sử Pán 1 trực tiếp gây ra, nên không thể “đánh lận con đen” từ “đền bù” sang “hỗ trợ”, vì đó là điều những người có lương tri không ai chấp nhận...

Chủ tịch xã Bản Hồ cho biết, các Nhà máy thủy điện trên địa bàn rất thờ ơ với công tác an sinh xã hội và tạo công ăn việc làm cho ngươi dân nơi đây.

Vừa nghe chúng tôi đề cập đến vấn đề thủy điện, ông Lý Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ, thở dài cho biết: Trên địa bàn xã Bản Hồ có tất cả 8 dự án thủy điện khác nhau đã đi vào hoạt động và đang xây dựng. Nhưng, tất cả mới chỉ giải quyết được công ăn việc làm cho 7 lao động là người địa phương. Các nhà máy cũng rất thờ ơ với công tác an sinh xã hội tại địa phương. Đơn cử là dịp trung thu năm 2020, đoàn thanh niên xã gửi công văn đến các Nhà máy xin chung tay đóng góp kinh phí để tổ chức trung thu cho các cháu trên địa bàn xã, nhưng không một đơn vị nào hồi âm. Riêng với thủy điện Sử Pán 1, chúng tôi đã quá mệt mỏi và không biết phải trả lời cho người dân thế nào nữa. Từ ngày Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 xả lũ vào đêm 23/6/2020, đến nay, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu họ cử cán bộ xuống phối hợp cùng với chúng tôi tiếp xúc, trả lời người dân nhưng họ không xuống. Họ chỉ gặp cấp huyện, cấp tỉnh thôi.

Ông Lý Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ nói thêm rằng: “Việc người dân bỏ công, bỏ việc đi khắp nơi cầu cứu, kiện cáo doanh nghiệp để lại rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là cơ sở gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội...”.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo TN&MT cũng đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 đặt lịch làm việc để tìm hiểu thông tin, lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp. Tiếc rằng, mọi cuộc điện thoại hẹn gặp của chúng tôi đều bị lãnh đạo Nhà máy này thoái thác không gặp vì nhiều lý do khác nhau.

Trận lũ kinh hoàng xảy ra đêm 23/6/2019 đã làm lật cầu treo và ảnh hưởng tới 64 hộ dân tại xã Bản Hồ gây thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.

Qua quá trình tìm hiểu thông tin, thực hiện bài viết này, chúng tôi tin rằng, mọi người dân, cán bộ chính quyền và cả tập thể lãnh đạo Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long đều không muốn có trận lũ quét xảy ra vào đêm 23/6/2019. Tuy nhiên, trận lũ đó đã xảy ra nên điều chúng ta phải làm là cùng nhau khắc phục hậu quả, đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các bên.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Bích Hợp