Kết nối tình quân dân qua lời ca tiếng hát
Xã hội - Ngày đăng : 16:56, 12/10/2020
Nhận được kế hoạch đón 50 thầy cô giáo, học viên Lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp sở và tương đương khóa 22 của tỉnh Tiền Giang đến thăm và giao lưu cùng cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 Vùng 2, cả đêm “đội văn nghệ xung kích” chúng tôi trằn trọc. Ngoài giới thiệu về an ninh biển, đảo, phải làm gì đây để “kết nối” với các thầy cô giáo, trong khi hai đơn vị chưa biết về nhau. “Chỉ có âm nhạc và lời ca tiếng hát mới có thể “kết nối giữa trái tim với trái tim, tấm lòng với tấm lòng” - trong đầu tôi loé lên sáng kiến ấy. Vậy là tôi triển khai “những công việc cần làm ngay” cho các chiến sĩ vệ binh Phòng Tham mưu của Lữ đoàn kết hoa mai, tận dụng cành lá cây, bàn ghế học chính trị làm “đạo cụ” cho tiết mục văn nghệ.
Tiết mục “Lời ru của mẹ” của Đội văn nghệ Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 |
Biết người miền Tây sông nước có “máu” mê ca cổ, rất nhiệt tình và nhiều tài năng, nếu mình hát những bài truyền thống quân đội thì chắc thắng họ rồi, nhưng phải “kiếm” bài “độc, lạ, không đụng hàng” thì mới “đỉnh”.
Vốn có kỹ năng sáng tác nhanh, tôi nghĩ ngay đến chất liệu dân ca mềm mại, dùng dân ca và cải lương để “hút” người miền Tây. Tôi cầm bút viết luôn “Gió gió lên, gió lên cho tàu ra khơi. Thực thi chủ quyền, bảo vệ ngư trường, tự hào lính biển 171 Hải quân, khó khăn gian khổ ta cùng vượt quan xá chi” theo làn điệu lý nam bộ. Để khẳng định lính biển cũng hát được cải lương, tôi viết tiếp. “Những người lính hải quân nơi tuyến đầu sóng gió. Bao hi sinh thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân cho biển đảo yên bình. Bao giọt mồ hôi sau nhưng chuyến hải trình, bao người vợ thân thương chốn quê nhà chờ đợi, chờ ngóng tin chồng sau những buổi chia tay...”. Và đây cũng chính là câu “xuống xề” (vọng cổ). Tôi lấy tít đề “lời ru của mẹ”.
Nghe Trung tá Nguyễn Văn Long, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn bảo “Đoàn của họ có cả ảo thuật, và rất nhiều tài năng anh anh ạ”. Tôi nhẩm ngay trong bụng, mình phải có tiết mục “đặc, lạ” mà họ không thể có. Vậy là tôi quyết định “trổ tài” thêm với làn điệu ca trù “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”. Đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, kinh phí hạn hẹp, tôi bỏ luôn 200 ngàn tiền túi thuê bộ áo dài cổ phục vụ cho ca trù…
Sau những cái bắt tay siết chặt thân tình, chương trình giao lưu văn nghệ bắt đầu. Để “quảng bá” về truyền thống đơn vị, 4 chiến sĩ trẻ “tứ ca” trong nhạc phẩm “Bài ca Lữ đoàn 171” sáng tác tự biên của Trung tá Nguyễn Hồng Sơn. Để nói lên sự quan tâm của người Tiền Giang đối với biển, đảo của Tổ quốc, anh Nam Khánh đã “đắm mình” trong ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”.
Hội trường Lữ đoàn 171 như “nổ tung” bởi những tràng pháo tay không ngớt khi những ca từ chạm đến trái tim sâu lắng vút cao: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình, bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả…”. Chị Trần Thị Thanh, Phó trưởng phòng Văn phòng UBND tỉnh Tiền giang rưng rưng nước mắt đặt tay lên tim mình bảo: “Mỗi lần nghe ca khúc này, tôi lại xúc động không kìm được nước mắt. Tình yêu biển đảo luôn ở trong tôi”.
Lãnh đạo Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân nhận quà tặng của Lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp sở và tương đương khóa 22 của tỉnh Tiền Giang |
Biết “đội bạn” đang “dốc công lực”, chúng tôi hội ý “đưa đòn quyết định” bằng tác phẩm ca trù. Sau lời giới thiệu về nét đẹp truyền thống nguồn cội của văn hoá phi vật thể ca trù, cả hội trường như nín thở khi lời thơ trầm mặc cất lên Mẹ ta không giải yếm đào, nón mê thay nón quai thao đội đầu, rối rent ay bế tay bầu, váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa”. Thiếu tá Đoàn Thị Thanh Hà, Hội trưởng phụ nữ Lữ đoàn 171 chia sẻ: “Nghe ca trù về mẹ, đã chạm đến trái tim tôi”. Còn các thầy cô giáo Đoàn Tiền Giang hoàn toàn “tâm phục khẩu phục” tài năng và sự “ứng biến” của lính biển 171
Buổi giao lưu văn nghệ trở nên hấp dẫn hơn khi nghệ sĩ Đoàn Minh Quang- người đoạt giải Châu Á Thái Bình Dương “trổ tài” tiết mục ảo thuật. Còn chúng tôi nối tình đoàn kết bằng tiết mục song ca “Trường sơn đông, trường sơn tây” do Huỳnh Thị Thu Hiền (Phó Giám đốc Công ty TNHHMTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang) với Trung uý Trần Khắc Nhung (Tàu 13 lữ đoàn 171) trình diễn.
Bữa cơm trưa thắm tình quân dân trong nhà ăn của Lữ đoàn 171. Chúng tôi quây quần bên nhau giữa mâm cơm của lính. Xúc động trước nghĩa cử đón tiếp nhiệt tình của cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171, Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường Đại học Tiền Giang Trần Hồng Mơ chia sẻ: “Lần đầu tiên đến với cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171, chúng tôi cảm giác thân tình như người một nhà. Rất cảm ơn các anh về sự đón tiếp nồng hậu hôm nay. Những tiếng hát lời ca đã thực sự kết nối tình quân dân chúng ta xích lại gần nhau hơn, kết nối trái tim với trái tim, tấm lòng với tấm lòng”.
Cuộc vui nào cũng phải đến lúc kết thúc. Chúng tôi chia tay trong xúc động bịn rịn. Thượng tá Lê Thanh Bình, Phó Lữ đoàn trưởng Tham mưu trưởng Lữ đoàn 171 đi bắt tay từng thành viên trong đoàn. Còn 50 thầy cô giáo, học viên Lớp bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp sở và tương đương khóa 22 của tỉnh Tiền Giang không quên tạm biệt và mong ngày gặp lại những người lính trẻ bằng lưu số điện thoại, bắt chặt tay nhau và cả những cái ôm như chẳng muốn xa rời.