Bất động sản công nghiệp khởi sắc bất chấp dịch bệnh
Bất động sản - Ngày đăng : 15:10, 12/10/2020
Ảnh minh họa |
Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, hầu hết các loại hình của thị trường BĐS nói chung đều chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, tuy nhiên BĐS công nghiệp vẫn được hy vọng là một điểm sáng trong năm nay và năm 2021 bởi nhiều nguyên do như: hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.
Báo cáo thị trường BĐS quý 3/2020 của Batdongsan.com.vn cho thấy, BĐS công nghiệp có sự tăng trưởng ấn tượng giữa một bức tranh thị trường mà gam màu xám đóng vai trò chủ đạo. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số khu công nghiệp thành lập trong 6 tháng đầu năm là 336, số khu công nghiệp đi vào hoạt động là 261, diện tích khu công nghiệp hoạt động là 29,1 nghìn ha.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, các khu công nghiệp đều tăng trưởng lượng tìm kiếm trong quý 3/2020. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tìm kiếm khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh tăng 22%, khu công nghiệp Tân Bình tăng 20%, khu công nghiệp Hiệp Phước tăng 23%, khu công nghiệp Tân Tạo tăng 37%. Giá đất nền quanh các khu công nghiệp ở Từ Sơn hay Yên Phong (Bắc Ninh) tăng 1% theo quý; giá đất ở quanh khu vực Bình Dương (Dĩ An, Thuận An) cũng có mức tăng trưởng đáng kể tính theo năm.
Số liệu của CBRE Việt Nam cũng thể hiện, tỷ lệ lấp đầy bình quân được ghi nhận tại các khu công nghiệp của 4 tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam đạt khoảng 84,5%. Đặc biệt, các khu công nghiệp đang hoạt động ở Bình Dương, Đồng Nai và Long An đều đã đạt tỷ lệ lấp bình quân trên 80%, riêng đối với TP.HCM, tỷ lệ này đã đạt trên 90%.
Tính đến hết quý 3/2020, số lượng các khu công nghiệp mới chào thuê đất tại khu vực công nghiệp trọng điểm miền Nam rất hạn chế. Theo ghi nhận của CBRE, khu vực công nghiệp trọng điểm miền Nam chào đón 4 khu công nghiệp mới trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó, TP.HCM có 1 khu công nghiệp, tỉnh Long An có 2 khu công nghiệp và Đồng Nai có 1 khu công nghiệp. Tổng diện tích đất tự nhiên của các khu công nghiệp mới đạt 1.373,8 ha với nguồn cung đất công nghiệp cho thuê dự kiến ở mức 906 ha.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam cho biết: “CBRE ghi nhận mức giá chào thuê đất tại một số khu công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai và Long An tăng từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá chào thuê đất ở mức cao cộng với hai đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam đã gây ra những khó khăn cho thị trường. Với tình hình đó, chủ đầu tư các khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ khách thuê bao gồm việc giảm giá thuê và phí duy tu hạ tầng cho một số trường hợp (từ 10% đến 30%), cơ cấu lại kỳ hạn thanh toán và miễn tiền thuê cho các doanh nghiệp mới thiết lập nhà xưởng trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát. Điều này đã giúp kìm hãm tốc độ tăng trưởng giá chào thuê đất trong quý 3/2020 so với quý trước.”
Cùng chịu tác động tiêu cực của đại dịch, thị trường nhà xưởng xây sẵn ghi nhận tốc độ tăng giá thuê chững lại. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn giữ ổn định trong 9 tháng đầu năm và so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung mới dồi dào và hoạt động thuê bị trì hoãn do khách thuê nước ngoài không thực hiện được hoạt động khảo sát thực tế. Nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tiếp tục tăng trưởng nhanh ở khu vực công nghiệp trọng điểm ở miền Nam. Dự kiến đến hết năm 2020, tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn cho thuê sẽ đạt gần 2,7 triệu m2 (tăng 28,2% so với năm trước) tại các tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam.
CBRE Việt Nam ghi nhận, mức giá chào thuê tại các dự án kho mới của các chủ đầu tư nước ngoài đã tăng 5%-10% so với cùng kỳ năm trước. Đi cùng với đó là nhu cầu tìm kiếm các quỹ đất phát triển cơ sở kho vận tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cầu cho thị trường nhà kho xây sẵn và đất công nghiệp kho vận trong thời gian tới. Ngoài ra, các kho lạnh hoặc kho mát cũng đang được xem là các xu hướng phát triển mới của ngành kho vận khi mà mạng lưới buôn bán và phân phối thực phẩm tươi sống mở rộng đáng kể ở cả phương thức trực tuyến và tại các cửa hàng, siêu thị hiện hữu. Ở các khu vực nguồn cung đất công nghiệp hạn chế, mô hình kho cao tầng cũng đã bắt đầu xuất hiện nhằm tạo ra không gian lưu trữ lớn hơn cho nhu cầu của các công ty thương mại điện tử.
Dự báo, hoạt động đa dạng hóa vị trí địa lý của các cơ sở sản xuất được đẩy nhanh sẽ là nguồn cầu chính cho thị trường trong thời gian tới. Trong lúc giá thuê đất đã đạt mức cao ở các khu công nghiệp có vị trí đắc địa, việc tìm kiếm nguồn cung đất của khách thuê được mở rộng ra các khu vực xa hơn vùng trung tâm công nghiệp hiện hữu. Thêm vào đó, các chủ đầu tư BĐS công nghiệp đang có những thay đổi trong việc phát triển sản phẩm nhằm thích ứng với tình hình mới. Nổi bật là ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành nhà xưởng, cung cấp các gói dịch vụ bao gồm pháp lý, nhân sự giúp hỗ trợ khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện dự án. Điều này đang dần tạo nên một mô hình phát triển BĐS công nghiệp mới tại Việt Nam tích hợp giữa cung cấp BĐS lẫn dịch vụ hỗ trợ đầu tư và quản lý.