Tranh thủ xây dựng cống âu thuyền lớn nhất Việt Nam để chống hạn mặn

Kinh tế - Ngày đăng : 15:08, 12/10/2020

(TN&MT) - Chiều 11/10, tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ gắn bẳng thi đua chào mừng Đại hội Đảng cho công trình Cống âu thuyền Ninh Quới - công trình đã được tranh thủ thi công đưa vào vận hành sớm trước thời hạn 12 tháng, nhằm chống hạn mặn.

Thực hiện hình thức gắn bảng cho công trình.

Dự án Cống Âu thuyền Ninh Quới do Bộ NN&PTNT triển khai trên kênh xáng Quản lộ - Phụng Hiệp, tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 làm chủ đầu tư. Với tổng mức đầu tư 360 tỉ đồng, dự án triển khai 3 hợp phần công trình: Cống âu thuyền, kết cấu có 2 cống hở ở 2 đầu, buồng âu dài 150m, đáy rộng 31,5m và cửa van, đóng mở bằng xi-lanh thủy lực; Cống Ninh Quới mới thay thế cống Ninh Quới cũ; hệ thống đê bao dài gần 10km, rộng 4,5m kết hợp đường giao thông nông thôn bờ phải kênh Ngan Dừa – Cầu Sập và 8 cầu nông trên tuyến. Thời hạn triển khai dự án 29 tháng (2017 – 2021).

Tuy nhiên, chủ đầu tư tiến hành thi công từ ngày 1/8/2018 đến ngày 6/1/2020 thì đã đưa hạng mục chính là Cống âu thuyền vào vận hành để ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020 (sớm trước thời hạn khoảng 12 tháng, 2 mùa khô), sau đó chính thức bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 4/2020.

Quan sát qua hệ thống camera, truyền thông điệp bằng hệ thống âm thanh công suất lớn.

Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, việc sớm đưa cống âu thuyền Ninhh Quới vào vận hành đã góp phần tích cực cùng với những công trình khác sẵn có để địa phương chủ động điều tiết nguồn nước giảm thiểu thiệt hại, sản xuất hiệu quả trong điều kiện thời tiết hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt mùa khô năm 2019 - 2020.

Dự án này được Bộ NN&PTNT lập sau mùa hạn mặn lịch sử 2015 – 2016, với mục tiêu kết hợp các công trình thủy lợi chủ động điều tiết, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu ổn định thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng; góp phần điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; kết hợp giao thông bộ.

Cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực.

Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, lưu ý: Đây là công trình âu thuyền lớn nhất Việt Nam hiện nay ứng dụng công nghệ vận hành tiên tiến. Vì vậy, đề nghị đơn vị quản lý khai thác thực hiện vận hành, bảo trì theo đúng quy trình vận hành, bảo trì của công trình đã được duyệt.

Tại buổi lễ gắn bảng công trình, ông Linh cũng đề nghị chính quyền địa phương tỉnh Bạc Liêu tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công hoàn tất khối lượng công trình các hạng mục còn lại để bàn giao toàn bộ công trình của dự án này trước ngày 31/12/2020, kịp thời đưa vào khai thác, điều tiết nguồn nước, phục vụ nhân dân ứng phó với tình hình hạn mặn, sản xuất hiệu quả trong mùa khô tới.

 

Hùng Long