Ấn Độ hướng tới “xanh hóa” mạng lưới đường sắt
Thế giới - Ngày đăng : 14:30, 12/10/2020
Hành khách nhìn ra ngoài cửa sổ khi một đoàn tàu chạy vào ga đường sắt ở Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Unsplash / Killian Pham |
Với hơn 68.000 km đường ray và phục vụ hơn 8 tỷ lượt hành khách mỗi năm, Đường sắt Ấn Độ là một trong những mạng lưới đường sắt lớn và bận rộn nhất trên thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi việc di chuyển hàng trăm nghìn hành khách mỗi ngày trên hàng chục nghìn km mạng lưới đường sắt đòi hỏi nguồn năng lượng lớn, năng lượng mà trước đây thường được cung cấp bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm. Những nhiên liệu này được cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.
Giao thông vận tải của Ấn Độ đóng góp 12% lượng khí thải, trong đó giao thông đường sắt chiếm khoảng 4%. Giải pháp được khuyến khích lựa chọn là sử dụng đường sắt nhiều hơn và vận tải đường bộ ít hơn. Đường sắt Ấn Độ đã cam kết tăng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt từ khoảng 35% năm 2015 lên 45% vào năm 2030.
Mặc dù để di chuyển, một đoàn tàu sử dụng rất nhiều nhiên liệu, nhưng lượng phát thải và quãng đường vận chuyển thấp hơn nhiều so với mức của lưu lượng xe trên đường bộ. Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực xanh hóa các tuyến đường sắt, với hơn một nửa mạng lưới được điện khí hóa và đặt mục tiêu điện khí hóa toàn bộ mạng lưới trong vòng 3 đến 4 năm tới. Điện khí hóa sẽ giúp xây dựng một hệ thống năng lượng tập trung, hiệu quả hơn và dần xóa bỏ các động cơ diesel phát thải cao hơn.
“Chúng ta cần quan tâm đến các mối lo ngại về môi trường cùng với sự phát triển kinh tế để đảm bảo tính bền vững. Đường sắt Ấn Độ đang dần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2030”, Vinod Yadav, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đường sắt cho biết.
Đạt được mục tiêu đó đồng nghĩa với việc có thể loại bỏ lượng phát thải 7,5 triệu tấn carbon dioxide (CO2) mỗi năm, tương đương với lượng phát thải của 2 nhà máy điện than.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã và đang hỗ trợ cho các nỗ lực của Đường sắt Ấn Độ, đưa ra khuyến cáo và đào tạo về tính bền vững và nền kinh tế xanh. Atul Bagai, Trưởng Văn phòng UNEP tại Ấn Độ cho biết: “Mạng lưới đường sắt của Ấn Độ từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong kết cấu xã hội của đất nước. Việc xanh hóa các tuyến đường sắt không chỉ là yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu khí hậu của Chính phủ mà còn là nhiệm vụ quan trọng cho sáng kiến môi trường của Ấn Độ. UNEP tự hào hỗ trợ những nỗ lực này thông qua đào tạo và các hỗ trợ khác”.
Phát thải từ sản xuất năng lượng chỉ là một phần của nỗ lực. Đường sắt Ấn Độ cũng đang tìm cách giúp các nhà ga và hệ thống lắp đặt đạt được chứng nhận xanh. Hơn 100 nhà máy xử lý và tái chế nước đã được thành lập.
Ngoài ra, Đường sắt Ấn Độ đã trang bị cho các toa đường dài các bể sinh học để xử lý chất thải của hành khách. Các bể sinh học này có thể ngăn chặn lượng khí thải lên tới 155 tấn CO2 hàng năm.
Với nhiều hành khách hơn và nhiều hàng hóa vận chuyển hơn trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ phát triển, điều quan trọng hơn bao giờ hết là đảm bảo tính bền vững của mạng lưới đường sắt của Ấn Độ trong tương lai.