Dự báo sát hơn đến từng vùng trọng điểm ảnh hưởng của thiên tai
Trong nước - Ngày đăng : 12:53, 12/10/2020
Sáng 12/10, tại Hà Nội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (TW về PCTT) Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp ứng phó mưa lũ và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp |
ATNĐ sắp mạnh lên thành bão, đã xuất hiện vùng áp thấp mới
Nhận định tình hình diễn biến của ATNĐ trên biển Đông, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, trong ngày hôm nay (12/10), ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của ATNĐ, khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng cao 2-4m, biển động. Riêng vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3,5, biển động rất mạnh.
Ông Hoàng Phúc Lâm nhận định, do ảnh hưởng của ATNĐ khả năng mạnh lên thành bão, Trung Bộ tiếp tục mưa lớn. Dự báo, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế lượng mưa từ 200-400mm, có nơi trên 400mm; Quảng Bình, Đà Nẵng 100-200mm; Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 80-150mm.
“Thời gian mưa lớn nhất tập trung trong ngày và đêm nay (12/10)”, ông Lâm thông tin.
Đặc biệt, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia lưu ý, hiện nay trên vùng biển phía Nam của Philippin có một vùng áp thấp. Vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành ATNĐ và khoảng ngày 15/10 đi vào khu vực biển Đông.
Lũ sông Kiến Giang, Thạch Hãn lên lại, Trung Bộ còn ngập lụt sâu
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hiện nay, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế dao động ở mức cao và lên chậm; các sông ở Quảng Nam đang lên; các sông ở Quảng Ngãi, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống. Lũ trên sông Đắkbla tại Kon Tum đã đạt đỉnh là 521,16m (20h/11/10), dưới BĐ3 0,34m và đang xuống.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thông tin về diễn biến ATNĐ |
Dự báo, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế tiếp tục dao động ở mức cao; sông Kiến Giang, Thạch Hãn lên lại, các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum xuống dần. Tối và đêm 12/10, khả năng mực nước trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy (Q. Bình): 2,7m, ở mức BĐ3; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn (Q. Trị): 6,0m, ở mức BĐ3; sông Bồ tại Phú Ốc (Huế): 5,0m, trên BĐ3 0,5m; sông Hương tại Kim Long (Huế): 4,0m, trên BĐ3 0,5m…
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo TW về PCTT nêu rõ, tính đến 22 giờ ngày 11/10, còn 176 xã, phường/94.277 hộ bị ngập (giảm 30 xã, phường/14.757 hộ so với ngày 10/10), độ ngập sâu từ 0,3m đến 1,8m, cá biệt có nơi ngập sâu đến 3m.
Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị vẫn tiếp tục diễn ra và khả năng còn kéo dài, đặc biệt tại: Quảng Bình (Lệ Thủy, Quảng Ninh); Quảng Trị (Đắkrông, TX. Quảng Trị); Thừa Thiên Huế (Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, TP. Huế, TX. Hương Thủy, Hương Trà); Quảng Nam (Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, TP Tam Kỳ); Quảng Ngãi (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi).
Cả hệ thống phải sẵn sàng hành động
Kết luận tại cuộc họp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo TW về PCTT Trần Quang Hoài cho biết, tình hình thiên tai thời gian tới dự báo hết sức phức tạp bởi thiên tai xảy ra trên khắp các tuyến từ biển, đồng bằng, đến vùng núi và ở phạm vi rộng (cả khu vực miền Bắc, Trung và Tây Nguyên đều bị ảnh hưởng).
“Đợt mưa lũ đã diễn ra rất lớn và tác động đến tất cả mọi mặt đời sống, xã hội, vượt quá khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng ở khu vực Trung Bộ. Trong khi đó, chúng ta còn thiếu kỹ năng ứng phó, việc chấp hành luật pháp chưa nghiêm, vẫn còn tâm lý chủ quan. Chưa kể, dù nhiều cơ quan, địa phương quyết liệt song những chỉ đạo vẫn còn trên giấy tờ, chưa kiểm tra đến hiện trường dẫn đến những thiệt hại không đáng có”, ông Hoài đánh giá.
Mưa lũ miền Trung còn diễn biến phức tạp |
Do vậy, Phó trưởng ban Trần Quang Hoài đề nghị, trước hết, cơ quan dự báo quốc gia tiếp tục theo dõi, dự báo chính xác, sâu hơn, sát hơn đến từng vùng trọng điểm ảnh hưởng của ATNĐ/bão, mưa lũ để phục vụ cho công tác điều hành, chỉ đạo. Cơn bão tới đây khả năng sẽ phức tạp hơn cơn bão số 6, cơ quan dự báo cần thường xuyên theo dõi để có điều chỉnh thông tin kịp thời.
Nhận định diễn biến thiên tai trên biển vừa qua không lớn nhưng thiệt hại không hề nhỏ, Phó trưởng ban Trần Quang Hoài yêu cầu, tiếp tục thông tin kiểm đếm tàu thuyền; triển khai thông tin ngay, kịp thời tình hình thiên tai đến cơ sở để nhân dân nắm bắt và có ý thức chủ động phòng, tránh hơn.
Lưu ý hiện nay rên các đảo tình hình tàu thuyền vẫn hoạt động phục vụ du lịch, vận chuyển hàng hoá, đề nghị biên phòng lưu ý nhắc nhở đảm bảo an toàn, phối hợp địa phương xem xét cấm biển; đồng thời, sẵn sàng cho việc cung cấp nhu yếu phẩm trước khi bão đổ bộ.
Đối với các khu vực đang bị ngập lụt, ông Hoài nhấn mạnh, ưu tiên số một là bảo đảm an toàn về sức khoẻ, tính mạng, nhu yếu phẩm, nước sạch cho nhân dân. Cùng với đó, đảm bảo an toàn sản xuất, kiểm soát an toàn phân luồng giao thông, sẵn sàng để khôi phục những tuyến đường bị chia cắt.
Nhấn mạnh việc hầu hết các hồ chứa ở Nam Trung Bộ (ặc biệt là Huế, Quảng Nam) đã xả lũ, Phó trưởng ban Trần Quang Hoài yêu cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục theo dõi giám sát, hỗ trợ địa phương vận hành xả lũ. Đồng thời, thường xuyên thông tin cho hạ du trong tất cả các tình huống xả lũ.