Thừa Thiên Huế: Kịp thời hỗ trợ, không để người dân đói rét do mưa lũ

Xã hội - Ngày đăng : 21:44, 11/10/2020

(TN&MT) - Trước tình hình mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nặng nề, lãnh đạo Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương phát huy tinh thần tương thân tương ái, kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, không để đói rét...

Hàng ngàn nhà dân ở Thừa Thiên Huế đang chìm trong nước lũ

Động viên người dân và lực lượng chống lũ

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ vừa đi kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt tại các xã vùng trũng thị xã Hương Trà và khu vực rốn lũ Ngũ Điền của huyện phong Điền; thăm, tặng quà động viên lực lượng phòng chống lũ và các hộ dân gặp khó khăn.

Đến kiểm tra tại các xã vùng thấp trũng Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.

“Các xã thuộc Ngũ Điền là vùng thấp trũng, bị ngập lụt nặng nề, do đó các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ. Tiếp tục lên phương án sơ tán di dời bà con nhân dân ở những nơi thấp trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ven cửa sông, cửa biển đến nơi an toàn”- Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.

Tặng quà cứu trợ cho người dân vùng lũ

Cần triển khai lực lượng công an, bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên, phương tiện ô tô, tàu, thuyền trực 24/24 giờ để sẵn sàng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn theo kế hoạch, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống, kê, kích, chằng chống nhà cửa cho bà con nhân dân, trong đó lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.

Các cấp, các ngành chủ động thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ.

“Yêu cầu các địa phương đơn vị, chủ động thông báo, có phương án bảo đảm an toàn đến người dân. Người dân sinh sống ở khu vực thấp trũng, gần ao hồ sông, suối cần chú ý di chuyển, sơ tán đến vùng cao, nhà cao tầng gần nhất. Không được di chuyển khi nước lũ dâng cao, phải gọi điện giúp đỡ, trợ giúp từ chính quyền, người thân. Kê cao tài sản để chủ động ứng phó...”- ông Thọ lưu ý.

Phát huy tinh thần tương thân tương ái lúc hoạn nạn

Chiều 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đến thăm hỏi, động viên lực lượng đóng gói, vận chuyển hàng hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn ở những vùng ngập lụt của tỉnh, yêu cầu các địa phương phát huy tinh thần tương thân tương ái, kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do mưa lũ.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế thăm hỏi, động viên lực lượng đóng gói hàng hỗ trợ cho người dân

Cùng tham gia đóng gói những phần quà của UBND TP. Huế hỗ trợ cho người dân các địa phương bị ngập lụt, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh gia cao TP. Huế đã huy động nguồn lực cũng như lực lượng phụ nữ, thanh niên, công an, dân quân tự vệ… để tổ chức đóng gói và vận chuyển hơn 3.000 suất quà, mỗi suất gồm mỳ ổ, xúc xích, sữa, nước uống đóng chai để kịp thời cung ứng cho người dân tại các khu vực bị ngập sâu, vùng rốn lũ của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc UBND TP. Huế huy động nguồn lực để tặng quà cho người dân vùng lũ lụt trong thời điểm này là rất thiết thực, góp phần giúp người dân vùng lũ vượt quá được những khó khăn trước mắt về lương thực, thực phẩm, đặc biệt là các hộ dân ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang… “Các phần quà hỗ trợ cần sớm được đưa đến tận tay người dân, sớm được ngày nào, tốt ngày đó”.

Khẩn trương vận chuyển hàng hóa đến nơi ngập lụt

Nhấn mạnh diễn biến mưa lũ còn phức tạp và lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của bão số 6, do đó, các cấp, các ngành, người dân không được chủ quan, lơ là; ngoài phương châm “4 tại chỗ”, các cấp, các ngành cần lưu ý đến phương châm “tự quản tại chỗ”, không để sơ suất xảy ra gây những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản, cùng với đó, chuẩn bị dự trữ lương thực thực phẩm để phòng chống mưa lũ kéo dài, chia cắt.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết Ban Chỉ huy vừa xuất 8.500 thùng mỳ tôm từ nguồn dự trữ để cứu trợ kịp thời cho các hộ dân di dời phòng tránh mữa lũ.

Thống kê của cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế cho hay, đến tối 11/10, toàn tỉnh có 3 người chết do mưa lũ, nhiều người bị thương và mất tích, hơn 53.000 nhà bị ngập, chính quyền địa phương đã tiến hành sơ tán 6.700 hô với 19.550 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Văn Dinh