Bà Rịa - Vũng Tàu: Hơn 4.000ha đất sạch cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đất đai - Ngày đăng : 15:01, 10/10/2020

(TN&MT) - Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu dành 4.000ha đất tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 45 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích sản xuất 2.558ha

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để triển khai thực hiện Đề án về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: Ban hành quy định tiêu chí xét chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh; triển khai các thủ tục thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và quy hoạch phân khu chức năng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức; thực hiện các thủ tục thu hồi đất và chuyển đổi đất trồng cao su của Công ty CP Cao su Bà Rịa, Công ty TNHH Lâm nghiệp để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; rà soát xây dựng quy chế phối hợp trong việc giao, cho thuê đất và lựa chọn doanh nghiệp tham gia vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 45 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích sản xuất 2.558ha, trong đó có 2.527ha đang sản xuất với sản lượng ước đạt 27.830 tấn/năm; đồng thời, có 16.189ha áp dụng tưới nước tiết kiệm, tưới nước kết hợp dinh dưỡng, tiết kiệm được nhân công, từ đó tăng hiệu quả sản xuất. Về nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao có 18 cơ sở với diện tích 352ha, trong đó đang sản xuất 222ha, sản lượng ước đạt 1.821 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã hình thành được các mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các mô hình tiêu chuẩn VietGAP, SAN/GlobalGAP...

Cũng theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù triển khai nhiều giải pháp thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, song đến nay tiến độ thực hiện vẫn còn chậm do các địa phương chưa thực hiện xong việc rà soát, bố trí, tạo quỹ đất để xem xét chủ trương cho các nhà đầu tư triển khai các dự án. Nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2025, tăng tổng sản phẩm sản xuất nông nghiệp và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên gấp 1,5 lần so với hiện nay; đưa tỷ trọng tổng sản phẩm của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% tổng sản phẩm sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030 tăng tổng sản phẩm sản xuất nông nghiệp và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên gấp 2,0 lần so với hiện nay; có 50% sản phẩm tiêu thụ thông qua hợp đồng; tỷ lệ nông sản của tỉnh đạt tiêu chuẩn thế giới ít nhất 50%.... trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường công tác phòng trừ dịch hại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực; tiếp tục phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh cơ giới hóa, chế biến bảo quản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường bền vững.

Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung tạo quỹ đất để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 4.000ha tại các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ. Trong đó, sẽ  bố trí diện tích đất để xây dựng đưa vào hoạt động các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: Vùng sản xuất hồ tiêu tập trung tại huyện Châu Đức, Xuyên Mộc; vùng sản xuất lúa tập trung tại huyện Đất Đỏ, Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc; vùng sản xuất cây ăn quả tập trung huyện Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc; vùng sản xuất điều, cà phê tập trung tại huyện Châu Đức và Xuyên Mộc; vùng sản xuất ca cao tập trung tại huyện Châu Đức; vùng trồng hoa xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ; vùng sản xuất rau tập trung  huyện Đất Đỏ; vùng chăn nuôi heo, gà, vịt công nghiệp ở Châu Đức; chăn nuôi heo, gà ở Đất Đỏ, Phú Mỹ; chăn nuôi heo, bò, gà ở Xuyên Mộc; chăn nuôi bò sữa ở Phú Mỹ...

Linh Nga