Thanh Hóa: Vụ xét xử cựu cán bộ xã Hà Ninh, các bị cáo kêu oan vì nhiều tình tiết chưa được làm rõ

Pháp đình - Ngày đăng : 10:47, 09/10/2020

(TN&MT) - Liên quan đến phiên xét xử sơ thẩm hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với 2 bị cáo là nguyên Chủ tịch và cán bộ địa chính UBND xã Hà Ninh (nay là xã Yến Sơn), huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Cho rằng kết quả xét xử của Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân (HĐXX TAND) huyện Hà Trung còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, 2 bị cáo đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án của TAND huyện Hà Trung.

Bị cáo kêu oan

Vụ việc xảy ra vào đầu năm 2015, các ông Hoàng Văn Minh (trú tại thôn 5 xã Hà Ninh); ông Nguyễn Hải Dương (trú tại thôn 3 xã Hà Ninh); ông Nguyễn Ngọc Tiến (trú tại tiếu khu 4 thị trấn Hà Trung); ông Nguyễn Ngọc Thái (trú tại tiểu khu 3 thị trấn Hà Trung) đến UBND xã Hà Ninh để đề nghị xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở. Sau xem đề nghị của ông Minh, ông Thái, ông Dương và ông Tiến, ông Phạm Văn Khá - Chủ tịch UBND xã Hà Ninh (thời kỳ đó) đã giao cho Đặng Văn Lương là cán bộ địa chính xã tham mưu lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Hà Trung cấp GCNQSDĐ ở cho 4 hộ dân trên.

Quá trình làm thủ tục đề nghị cấp GCNQSDĐ, vì cho rằng đã có sự nhất trí của HĐND tại Nghị quyết ngày 26/4/1999 và có ý kiến đồng ý của cử tri tại Văn bản Tiếp thu ý kiến cử tri ngày 04/5/1999 và tin tưởng vào sự tham mưu của cán bộ chuyên môn nên ông Phạm Văn Khá mới ký vào giấy thẩm định và phiếu ý kiến xác minh nguồn gốc đất của 4 hộ dân rồi đưa cho ông Đặng Văn Lương đi làm thủ tục.

Khi làm thủ tục, ông Đặng Văn Lương muốn tạo điều kiện cho các hộ dân được nộp tiền sử dụng đất, sớm ổn định cuộc sống nên không tham mưu tổ chức họp Hội nghị lấy ý kiến mà đã tự ký vào giấy thẩm định và phiếu ý kiến xác minh nguồn gốc đất.

Quang cảnh buổi xét xử phúc thẩm tại TAND tỉnh Thanh Hóa

Ngày 08/6/2018, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Hà Trung ban hành Quyết định số 45/QĐ-CSĐT khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và Quyết định khởi tố bị can số 76, 77 ngày 11/6/2018 đối với ông Phạm Văn Khá và ông Đặng Văn Lương về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đến ngày 20/02/2020, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Hà Trung (Thanh Hóa) ban hành Cáo trạng số 24/CT-VKSHT truy tố bị can Phạm Văn Khá và Đặng Văn Lương về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại điểm b khoản 2, Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo cáo trạng, dù Phạm Văn Khá biết rõ nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất và được Đặng Văn Lương báo cáo là theo quy định của pháp luật thì các thửa đất nêu trên không đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ ở. Tuy nhiên, do nể nang, tình cảm cá nhân lại nôn nóng muốn có nguồn thu cho địa phương để xây dựng công trình nên Phạm Văn Khá chỉ đạo Đặng Văn Lương lập hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ theo đề nghị của công dân.

Quá trình thiết lập hồ sơ, Phạm Văn Khá không tổ chức Hội nghị thẩm tra, không tổ chức Hội nghị xem xét nguồn gốc sử dụng đất của các hộ nêu trên nhưng Phạm Văn Khá vẫn ký trước các văn bản hội nghị. Từ đó để Đặng Văn Lương lập khống các biên bản Hội nghị, mạo chữ ký của các thành phần tham gia nhằm hợp thức hoá hồ sơ, cố ý xác định sai nguồn gốc, thời điểm, vị trí sử dụng đất. Gây thất thu cho ngân sách nhà nước 440.000.000 đồng.

Sáng 02/6, TAND huyện Hà Trung (Thanh Hoá) mở phiên xét xử sơ thẩm hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với 2 bị cáo là nguyên Chủ tịch và cán bộ địa chính UBND xã Hà Ninh (nay là xã Yến Sơn). Tiếp tục xét xử, ngày 03/6, HĐXX TAND huyện Hà Trung đã công bố Bản án hình sự sơ thẩm số 33/2020/HSST. Theo đó, xử phạt bị cáo Phạm Văn Khá và Đặng Văn Lương 5 năm tù (trừ thời gian tạm giam từ ngày 12/6/2018 đến ngày 30/8/2018). Cho rằng kết quả xét xử của HĐXX TAND huyện Hà Trung còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, trong ngày 03/6, 02 bị cáo đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án của TAND huyện Hà Trung.

Ngày 23/6/2020, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định kháng nghị số 03/QĐ-VKS-P7 với nội dung:

Thứ nhất, cấp sơ thẩm không xác định bị hại trong vụ án: Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Phạm Văn Khá và Đặng Văn Lương thực hiện hành vi phạm tội 4 lần, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước 440.000.000đ nhưng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử không đưa UBND huyện Hà Trung tham gia với tư cách là người bị hại mà tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm khoản 1, Điều 62 Bộ luật hình sự năm 2015.

Thứ hai, hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn Khá và Đặng Văn Lương dẫn đến thiệt hại cho Ngân sách UBND huyện Hà Trung 440.000.000đ. Tuy nhiên Bản án không truy thu số tiền những người liên quan được hưởng lợi bất chính (từ việc chi phải nộp 50% tiền sử dụng đất) để nộp Ngân sách Nhà nước là gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người bị hại.

Nhiều tình tiết cần làm rõ

Do có kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của VKSND tỉnh Thanh Hóa, ngày 17/9/2020, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên xét xử công khai vụ án hình sự nêu trên. Tại phiên tòa, các bị cáo giữ nguyên kháng cáo, VKSND giữ nguyên kháng nghị.

Về quan điểm bào chữa cho các bị cáo Phạm Văn Khá và Đặng Văn Lương, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Công ty Luật TNHH hãng luật sư Hưng Yên – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Các bị cáo không có động cơ vụ lợi, Toà án 2 cấp tỉnh Thanh Hoá cũng xác nhận nội dung này; các bị cáo chỉ là người đề nghị còn việc xem xét, thẩm định, quyết định tiền thuế và cấp Giấy CNQSDĐ thuộc thẩm quyền của các cơ quan cấp UBND huyện; Cục thuế giám định thiệt hại chỉ dựa vào thông tin do cơ quan điều tra cung cấp là không chính xác; không phát sinh thiệt hại đối với Nhà nước; Kết luận điều tra chỉ dựa vào bản đồ địa chính là không phù hợp với bản đồ quy hoạch chi tiết và hiện trạng sử dụng đất và ý kiến của các hộ dân liền kề; không xem xét trách nhiệm đối với những người có liên quan trong việc cấp Giấy CNQSDĐ là không toàn diện, khách quan và không công bằng.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh –  Đoàn Luật sư TP. Hà Nội – người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Khá

Sau khi xét xử, HĐXX đưa ra nhận định như sau: Kháng nghị của VKSND tỉnh Thanh Hóa là có cơ sở nhưng đã được xem xét tại cấp phúc thẩm, không ảnh hưởng đến quyền lợi của bị hại nên không cần thiết phải hủy án sơ thẩm để điều tra lại; tuy nhiên cấp sơ thẩm cần phải tổ chức rút kinh nghiệm và kiểm điểm về các vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố xét xử nhưng kháng nghị của VKSND tỉnh Thanh Hóa.

Trao đổi nhanh với PV ngay sau khi phiên tòa tạm nghỉ, Luật sư Nguyễn Văn Quynh – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nêu rõ: Các biểu mẫu mà cấp xã sử dụng không đúng mẫu theo Luật đất đai năm 2014, không cần thiết phải họp đội đồng xét cấp, có 2 trường hợp cấp lệch lô thửa nhưng khi tiếp nhận hồ sơ cấp huyện biết là sai nhưng không hướng dẫn cấp xã để làm lại, hoặc đáng lý phải thu hồi giấy chứng nhận, 1 hộ dân có quá trình sử dụng đất ổn định lâu dài có nghị quyết hội đồng nhân dân, có hợp đồng thuê đất nhưng 2 cấp tố tụng không xem xét đến các tài liệu này; sai phạm này của các bị cáo chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xem xét xử lý về mặt hành chính… Vì vậy, các bị cáo bị oan nên đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại như quan điểm của VKSND kháng nghị, đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo.

PV