Đẩy mạnh nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản
Tài nguyên - Ngày đăng : 15:57, 08/10/2020
Tong những năm gần đây, ngành Địa chất đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, điều tra về di sản địa chất, công viên địa chất |
Cho đến nay, khoảng hơn 73% diện tích phần đất liền đã được điều tra lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Diện tích còn lại chủ yếu thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và dải đồng bằng ven biển miền Trung. Kết quả của công tác này, ngoài việc thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 chuẩn quốc gia, đã phát hiện hàng trăm điểm khoáng sản các loại. Trong đó, nhiều điểm có triển vọng đã được chuyển giao để đánh giá, thăm dò.
Ngoài ra, công tác điều tra, đánh giá khoáng sản đã được tiến hành trên hầu hết các cấu trúc có triển vọng khoáng sản và đối với các khoáng sản có quy mô lớn. Một số khoáng sản có tài nguyên lớn đã cơ bản hoàn thành điều tra, đánh giá tài nguyên gồm: đất hiếm, apatit, bauxit, titan sa khoáng. Các khoáng sản có quy mô lớn đang được đẩy mạnh đánh giá, xác định tài nguyên gồm đá hoa trắng, cát trắng, đá ốp lát, đá vôi xi măng, kaolin, felspat, than nâu đồng bằng sông Hồng, urani. Công tác điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu đối với một số khoáng sản kim loại nguồn gốc nội sinh (đồng, vàng, thiếc, wolfram) đang được triển khai trên các cấu trúc có triển vọng ở khu vực miền núi Tây Bắc, Đông Bắc Bắc Bộ, Trung Bộ và đã có các kết quả mới, hứa hẹn sẽ phát hiện một số mỏ đồng, vàng và khoáng chất công nghiệp có triển vọng.
Theo số liệu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trong những năm qua, ngành Địa chất đã tiến hành điều tra địa chất đô thị đối với 58 đô thị loại I, loại II và loại III, các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu, Đà Nẵng - Dung Quất với diện tích 12.730 km2. Kết quả đã thành lập được bộ bản đồ địa chất, khoáng sản, địa chất công trình – thủy văn, địa hóa đất,… tỷ lệ 1:25.000 cho các đô thị. Đây là cơ sở quan trọng cho các địa phương trong việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, ngành Địa chất đang triển khai thí điểm điều tra địa chất không gian ngầm phục vụ công tác quy hoạch, quản lý đô thị thông minh.
Công tác điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường cũng đang được đẩy mạnh. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã được điều tra tai biến trượt lở đất đá, khoanh định nhiều khu vực có nguy cơ cao để chuyển giao cho các địa phương để cảnh báo và thực hiện các biện pháp phòng tránh. Công tác điều tra môi trường phóng xạ đã được tiến hành ở Quảng Nam, Nghệ An, Lai Châu, Cao Bằng và Phú Thọ; đánh giá chi tiết các diện tích ô nhiễm phóng xạ tự nhiên vùng Tây Bắc Việt Nam để chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp giảm thiểu đến mức thấp nhất tác hại đối với con người; điều tra tai biến địa chất ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Bắc Bộ, ven biển Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc; điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Về điều tra địa chất công trình, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đang tiến hành Dự án "Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam”. Các kết quả điều tra địa chất, địa chất công trình khu vực dải đất liền ven biển và biển ven bờ từ 0 - 20m nước sẽ được chuyển giao cho Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông và Ủy ban nhân dân các tỉnh để sử dụng trong quy hoạch phát triển bền vững các đô thị và phát triển kinh tế vùng.
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trong những năm gần đây, ngành Địa chất cũng đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, điều tra về di sản địa chất, công viên địa chất, là cơ sở quan trọng để UNESCO công nhận các danh hiệu như: Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Di sản Thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng,…