Gây nuôi động vật hoang dã trong bối cảnh lan truyền dịch bệnh
Môi trường - Ngày đăng : 14:43, 08/10/2020
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature chia sẻ tại Tọa đàm |
Hiện nay, gây nuôi thương mại động vật hoang dã (ĐVHD) khá phổ biến tại Việt Nam, với khoảng 18.000 cơ sở gây nuôi, trên 100 loài nhân nuôi ĐVHD trên cả nước. Nhiều cơ sở gây nuôi ĐVHD không đáp ứng được những điều kiện cần thiết để đóng góp vào công tác bảo tồn ĐVHD trong tự nhiên. Ngược lại, việc cho phép gây nuôi thương mại ĐVHD tạo cơ sở cho hoạt động nhập lậu ĐVHD, dẫn đến khả năng đe dọa nghiêm trọng quần thể ĐVHD trong tự nhiên, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature cho biết: Hiện nay, tình trạng nhập lậu ĐVHD vào các cơ sở chăn nuôi là khá phổ biến, thông qua việc bán giấy phép vận chuyển từ các trang trại chăn nuôi để lưu thông động vật hoang dã săn bắt từ tự nhiên. Điều này cho thấy hoạt động chăn nuôi không làm suy giảm áp lực săn bắt động vật hoang dã ngoài tự nhiên mà còn đẩy các loài hoang dã vào nguy hiểm.
Bên cạnh đó, tình trạng chăn nuôi không đảm bảo điều kiện kỹ thuật cũng được ghi nhận khi các trang trại gây nuôi hỗn hợp các loài ĐVHD với điều kiện chăm sóc thú y rất kém và hầu như không biết về nguồn bệnh tiềm ẩn luôn đe dọa vật nuôi.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ về tình hình gây nuôi ĐVHD ở Việt Nam, hiện trạng một số cơ sở gây nuôi ĐVHD, các thách thức trong quản lý gây nuôi ĐVHD và nguy cơ dịch bệnh tại các trang trại gây nuôi ĐVHD trong bối cảnh dịch COVID-19. Qua đó, trao đổi, thảo luận về các biện pháp, khuyến cáo và kinh nghiệm về quản lý gây nuôi ĐVHD.
Theo TS. Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều chồng chéo, một số quy định còn bất cập, gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép và tạo ra lỗ hổng pháp lý mà tội phạm về ĐVHD lợi dụng. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng của thị trường thúc đẩy hoạt động gây nuôi trái pháp luật ĐVHD.
Chia sẻ về nguy cơ dịch bệnh tại các trang trại gây nuôi ĐVHD trong bối cảnh COVID-19, bà Nguyễn Thanh Nga, Tổ chức bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) cho biết: Theo nghiên cứu mới nhất của WCS, tại các trang trại ĐVHD ở Bắc Giang, Đồng Nai và Đồng Tháp, đã phát hiện virus corona có nguồn gốc từ dơi trên nhím, dúi và chuột đồng. Kết quả nghiên cứu trên các loài gặm nhấm cũng chỉ ra nguy cơ lây lan virus corona tới những loài ĐVHD khác (cầy, tê tê) được nuôi tại trang trại. Do đó, việc tiêu thụ ĐVHD làm thực phẩm gây gia tăng nguy cơ truyền virus corona sang người.
Các chuyên gia đều cho rằng, để giải quyết các khó khăn trong quản lý nuôi ĐVHD, cần có các biện pháp kiểm soát, hạn chế tác động, nguy cơ, rủi ro lây nhiễm từ ĐVHD sang người; nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn về các khía cạnh như bảo tồn, sức khỏe cộng đồng để có chính sách phù hợp. Trong đó, theo ông Vương Tiến Mạnh, cần hoàn thiện và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu nuôi ĐVHD trên cả nước, minh bạch hóa thông tin, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để hạn chế việc lưu thông ĐVHD săn bắt ngoài tự nhiên.