PVN chủ động nhập cuộc cùng Cách mạng công nghiệp 4.0
Kinh tế - Ngày đăng : 13:59, 08/10/2020
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Ngành Dầu khí là một trong những ngành kinh tế kỹ thuật ứng dụng rất sớm các công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới trong công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, các nhà máy đạm, lọc hóa dầu, xử lý khí, nhiệt điện khí… Việc tiếp tục khai thác các giải pháp công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất của công nghiệp 4.0 để giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của PVN.
PVN luôn tiên phong trong nghiên cứu khoa học dầu khí |
Để xây dựng kế hoạch hành động, PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên căn cứ vào tình hình cụ thể về SXKD, thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng, đánh giá tác động, tính sẵn sàng của đơn vị đối CMCN 4.0, tổ chức thực hiện và tham gia các hội nghị, hội thảo và các khóa đào tạo để nâng cao nhận thức về nội dung CMCN 4.0, tiếp đến các đơn vị cần xây dựng kế hoạch thích ứng và áp dụng CMCN 4.0 vào thực tế của mình.
Hiện PVN đã và đang thực hiện các chính sách khuyến khích các đơn vị thành viên chủ động, tích cực nâng cao năng lực thích ứng với công nghiệp 4.0 thông qua các buổi hội thảo hay các khóa đào tạo về lĩnh vực này. Đến nay, PVN đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về CMCN 4.0 tại các diễn đàn trong ngành (Kỳ họp của Hội đồng KHCN và các tiểu ban trực thuộc) cho các lĩnh vực khâu sau và khâu đầu. Nhiều chương trình hành động cụ thể đã triển khai và đang trong giai đoạn triển khai như: Thực hiện nhiều đề tài NCKH có nội dung CMCN 4.0 như áp dụng AI nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu của các mỏ dầu khí, đề tài nghiên cứu Blockchain định hướng áp dụng trong mã hóa dữ liệu dầu khí và áp dụng trong chuỗi kinh doanh dịch vụ hàng hóa,…
Mặt khác, PVN cũng đẩy mạnh nghiên cứu, chuẩn hóa mã vật tư, thiết bị trong toàn ngành để cài đặt trên hệ thống thông tin của Tập đoàn và kết nối trực tuyến áp dụng cho các doanh nghiệp trong toàn ngành; lựa chọn và thống nhất hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối để áp dụng trong ̣từng khâu của lĩnh vực dầu khí. Thông qua việc kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và ứng dụng Internet vạn vật, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể quản lý một lượng lớn cơ sở dữ liệu dầu khí quốc gia, bao gồm các hệ thống về dữ liệu trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, mở rộng xây dựng, kết nối với các khâu còn lại.
Nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành tác nghiệp đã được thiết lập, phù hợp với làn sóng CMCN 4.0. Đặc biệt, hiện nay, PVN và các đơn vị đang tập trung triển khai chương trình “chuyển đổi số” của doanh nghiệp, thực hiện hiện đại hóa công tác quản trị doanh nghiệp tiên tiến thông qua triển khai hệ thống ERP. Hai chương trình này chính là những nội dung lớn, cụ thể mà PVN đã và đang tiến hành nhập cuộc CMCN 4.0.
Người dầu khí luôn giữ ý chí, bản lĩnh của những người đi tìm lửa |
Các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chuẩn bị các nguồn lực về con người, tài chính để lập kế hoạch ứng dụng những công nghệ 4.0 phù hợp với thực tiễn hoạt động, tiêu biểu như Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGas), Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Viện Dầu khí Việt Nam (VPI)…
Áp dụng thành công
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhận định, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra sự thay đổi cơ bản, vượt bậc về công nghệ trong việc thu thập thông tin và phân tích và xử lý thông tin/tri thức để thấu hiểu bản chất (sức mạnh xử lý, lưu trữ tăng mạnh; nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh), từ đó các công ty có thể quyết định sản xuất kinh doanh hằng ngày hoặc hoạch định chiến lược, kế hoạch dài hạn hiệu quả hơn. Việc số hóa hoạt động tại các hoạt động hạ nguồn dầu khí có thể giúp tiết giảm 12 - 20% chi phí hoạt động, dừng hoạt động đột xuất giảm từ 15 - 25%, hiệu quả hoạt động tăng 8 - 12%, hiệu suất HSSE (sức khỏe, an toàn, an ninh và môi trường) được cải thiện, năng suất lao động tăng…
PVN đã chủ động, sẵn sàng và chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng với cuộc CMCN 4.0 |
Nhiều đơn vị của PVN trong 3 năm qua đã không ngừng ứng dụng các công nghệ CMCN 4.0 như IoT, Big Data,… để triển khai các hệ thống quản lý, hệ thống sản xuất của mình. Đơn cử như việc áp dụng thành công các nội dung CMCN 4.0 vào các hoạt động SXKD có thể kể đến đầu tiên là Công ty mẹ - PVN, các đơn vị VSP, Biển đông POC, BSR, PVOil,… Phần lớn các đơn vị đã xây dựng các giải pháp thu thập thông tin tự động, tiến hành lưu trữ, xây dựng các chức năng báo cáo quản trị và phân tích dữ liệu trực tuyến, từ đó đưa ra các quyết định điều hành sản xuất kinh doanh thường nhật.
Liên quan đến hoạt động quản lý về ATSKMT, hiện nay các hệ thống về trực tình huống khẩn cấp, hệ thống quản lý về ATMT đã và đang phát triển đến giai đoạn thứ 2 và 3,… Cụ thể, Tổng công ty PVOil, với giải pháp “PVOil Easy” được triển khai thực tế từ năm 2018 đến nay đã cho phép đổi mới, mở rộng mô hình kinh doanh bản lẻ xăng dầu đầu tiên của Việt Nam. Đây là một dự án thành công, đem lại hiệu quả lớn cho PVOil và khách hàng mua xăng dầu trong hệ thống của PVOil trên toàn quốc với nhiều lợi ích, đáp ứng chủ trương của Nhà nước về việc không sử dụng tiền mặt, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội rất lớn nhờ áp dụng IoT và Big Data.
Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, an toàn sức khỏe môi trường và ứng cứu tình huống khẩn cấp như Hệ thống phần mềm Ứng cứu tình huống khấn cấp (ƯCTHKC) đã triển khai từ năm 2016 được áp dụng cho các đơn vị, nhà thầu dầu khí trên biển, giúp nâng cao năng lực ƯCTHKC đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình, dự án ngoài biển, được các cơ quan Nhà nước đánh giá cao.
Bằng sự nỗ lực và những bước đi cụ thể và quyết liệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đủ năng lực để chinh phục những thành tựu của CMCN 4.0.