Người dân TP. Sông Công cải tạo môi trường tái chăn nuôi thủy sản
Xã hội - Ngày đăng : 17:37, 06/10/2020
Khoảng 15 tấn cá chết trắng ao của gia đình ông Hà Duy Văn, tổ 6, phường Châu Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. |
Hơn 20 ngày nay, khoảng 15 tấn cá các loại như: Rô phi đơn tính, Diêu hồng, cá chim, mè, trắm, chép…đã chết trắng ao. Gia đình ông Hà Duy Văn vẫn không khỏi xót xa, bàng hoàng vì bỗng dưng mất trắng hàng trăm triệu đồng. Công lao nuôi nấng, chăm sóc ao cá cả năm trời sắp đến lúc thu hoạch thì bất ngờ tuột mất hết. Ao cá bốc mùi hôi thối ô nhiễm cả một vùng.
Cá chết được gia đình ông Văn gom lại để tiêu hủy. |
Thấy vậy, ông Văn có đi báo chính quyền và ngành chức năng. Chị Hà Thị Hoa, con gái ông Văn cho biết: Gia đình em không thù oán với ai, sống chan hòa cùng xóm giềng. Khu trang trại chăn nuôi ở tách biệt khu dân cư, gần sông Công nên không biết ai đã làm chết cả ao cá hơn chục tấn. Gia đình em rất xót xa vì mất của, mất công. Đề nghị ngành chức năng sớm tìm ra thủ phạm hại chết ao cá. Bây giờ, cả gia đình em đang phải tập trung cải tạo lại môi trường để phục hồi chăn nuôi lứa cá mới nhưng còn thấp thỏm lo âu lắm.
Váng vàng đặc quánh bám vào cọc bê tông trong ao của ông Văn.
|
Qua quan sát khu ao đầm nuôi cá của gia đình ông Văn, thấy: Nước ao có màu vàng sậm, nổi váng. Váng vàng đặc quánh vào các cây cọc, bụi cỏ, thành vách ao. Cá chết còn xót trong bụi cây trên bờ đang phân hủy mạnh, mùi thối nồng nặc. Ruồi nhặng bay vù vù. Ngay khi sự việc xảy ra, cơ quan thú y tỉnh Thái Nguyên nhận tin báo đã đến kịp thời kiểm tra hiện trường. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi-Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi đã mổ mẫu vật cá chết thì thấy không có dấu hiệu do nấm hay dịch bệnh phát sinh khiến cá chết hàng loạt. Tất cả cá chết đều có biểu hiện mang cá, bộ phận hô hấp bị phù nề, tổn thương mạnh khiến cho cá không thể hô hấp và chết vì ngạt.
Nước ao màu vàng có độ PH rất cao và nhiễm axit, ô xít sắt, đồng. |
Gia đình ông Văn đã mua hóa chất làm trung hòa độ PH trong nước nhưng chưa thấy có thay đổi nhiều. Ông Đào Khang, cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường TP Sông Công cho biết: Thấy cá chết hàng loạt, thiệt hại về kinh tế lớn cho gia đình ông Văn, chúng tôi đã báo cáo cấp trên đề nghị lấy mẫu nước quan trắc môi trường. Kiểm nghiệm sơ bộ, phát hiện có thành phần ô xít sắt, đồng, a xít và độ PH trong nước đầu vào khu ao đầm có tăng đột biến…
Nước ao sau cải tạo đang dần trong trở lại nhưng cá vẫn nổi nhiều. |
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế, TP Sông Công cũng cho biết thêm: Sự việc đã xảy ra rồi, rất đáng tiếc. Chúng tôi chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Chúng tôi đang tìm hướng giúp đỡ hộ ông Văn làm sạch môi trường, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đầu vào đảm bảo an toàn để tái đàn, nếu có nguồn kinh phí hỗ trợ thì sẽ hướng dẫn gia đình làm các thủ tục cần thiết. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên rất khuyến khích các mô hình chăn nuôi thủy sản lồng ghép phát triển.
Thiết bị xục khí để tăng ô xi trong nước ao của gia đình ông Văn. |
Sau sự việc khoảng 15 tấn cá chết trắng tại ao nhà ông Hà Duy Văn, thấy rõ một điều người chăn nuôi thủy sản cần quan tâm, tầm soát thường xuyên nguồn nước vào ra ao, đầm, hồ đảm bảo không bị ô nhiễm hóa chất. Mặt khác, luôn chủ động tìm biện pháp xục khí tăng cường ô xi cho môi trường nước thì cá, tôm mới nhanh lớn. Đồng thời môi trường thủy sinh mới đảm bảo đủ dưỡng khí, dưỡng chất cho cá, tôm nhanh lớn. Hạn chế chăn cá để dư thừa, tồn đọng lượng lớn thức ăn trong nước lâu ngày có thể gây ô nhiễm môi trường nước, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh hại đàn thủy sản…