Nông dân Đà Nẵng làm nông sản sạch

Xã hội - Ngày đăng : 17:35, 06/10/2020

(TN&MT) - Những năm gần đây, nông dân huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi các mô hình sản xuất truyền thống sang các mô hình sản xuất nông sản sạch, sử dụng phân hữu cơ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sống.

“Cảm hứng” với nông nghiệp sạch

Nằm ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), Hợp tác xã (HTX) Rau, hoa, củ, quả Hòa Vang của ông Nguyễn Thắng là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đầu tiên trên địa bàn huyện Hòa Vang. Trên diện tích hơn 1ha, ông Thắng xây dựng nhà kính, làm đất hữu cơ, ứng dụng CNC để trồng các loại hoa, củ, quả như dưa leo, dưa lưới, rau cải, ớt Nhật, ớt chuông Đà Lạt, cùng vườn thủy canh gồm xà lách mở, lô lô xanh, rau men, xà lách tím…phù hợp với điều kiện khí hậu của thành phố. Tất cả các sản phẩm nông sản của HTX đã  được Công ty CP Chứng nhận GlobalCert chứng nhận phù hợp với VietGap.

Vựa dưa lưới được trồng trong nhà kính, ứng dụng CNC của Hợp tác xã (HTX) Rau, hoa, củ, quả Hòa Vang của ông Nguyễn Thắng

Ông Nguyễn Thắng cho biết, Đà Nẵng là thị trường có nhiều tiềm năng cho lĩnh vực nông nghiệp CNC, nhất là khi đời sống kinh tế của người dân được nâng cao. “Việc sản xuất nông sản sạch thì cả sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng mới được đảm bảo an toàn, và tất nhiên, nông sản đạt chất lượng cao thì giá cũng cao và dễ bán hơn. Chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt dự án để mang đến một diện mạo mới về sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho thành phố”, ông Nguyễn Thắng cho biết.

Trong khi đó, tại vùng rau sạch La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), để giữ tiêu chuẩn nông sản sạch theo chuẩn VietGAP, người nông dân ở đây phải tuân thủ việc hoàn toàn không sử dụng các chất bảo vệ thực vật khi gieo trồng và sản xuất từ 8 năm nay. Trung bình mỗi ngày, hơn 1 tấn rau, củ, quả sạch ở vùng rau La Hường được đem đi tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng qua nhiều kênh phân phối khác nhau như: các cửa hàng nông sản sạch, bếp ăn tập thể, khách sạn, chợ truyền thống, siêu thị…Nhờ có đầu ra ổn định, thu nhập bình quân của mỗi xã viên tại vùng rau La Hường đạt khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm.

Ông Trần Văn Hoàng – Giám đốc HTX sản xuất rau an toàn La Hường (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) La Hường là HTX đầu tiên của Đà Nẵng được công nhận tiêu chuẩn VietGap. Từ đó đến nay, duy trì lối sản xuất sạch, rau quả do HTX luôn luôn có đầu ra ổn định. “Hiện khoảng 20% sản lượng rau được tiêu thụ ở các cửa hàng thực phẩm sạch theo đơn đặt hàng từ các cửa hàng”, ông Hoàng cho hay

Nông dân Đà Nẵng đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi các mô hình sản xuất truyền thống sang các mô hình sản xuất nông sản sạch

Tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã hình thành 16 mô hình ứng dụng CNC đối với các sản phẩm rau, hoa, nấm. Trong đó, diện tích phát triển sản xuất rau an toàn, sạch đạt chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu thụ rau an toàn trên toàn thành phố là 484ha. Việc ứng dụng mạnh mẽ CNC và phương pháp sản xuất hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vào quá trình nuôi, trồng đã góp phần đem lại cho thành phố nguồn nông sản sạch, đa dạng và phong phú về chủng loại từ rau xanh đến các loại củ, quả, vật nuôi.

Bao tiêu sản phẩm “sạch”

Là một trong những đối tác của HTX rau La Hường, ông Lê Anh Quang – Giám đốc HTX thực phẩm nông sản an toàn Thu Bồn cho biết mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ hơn 150 kg rau xanh.theo tiêu chuẩn VietGap. Ông Quang chia sẻ, từ hai năm nay, doanh nghiệp đã chủ động kết nối các hộ sản xuất, thành viên các HTX ở vùng rau La Hường (quận Cẩm Lệ), thôn Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang).

Tất cả rau, củ, quả dù “đẹp” hay “xấu” đều được HTX Thu Bồn Mart mua toàn bộ, để các hộ nông dân yên tâm trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP không bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu. Vì thế, cửa hàng luôn có nguồn hàng ổn định và khách hàng cũng luôn an tâm với chất lượng sản phẩm.

HTX Thu Bồn Mart liên kết chuỗi sản phẩm, mang nông sản sạch đến với người tiêu dùng

“Chúng tôi thu mua rau sạch của bà con với giá cao hơn thị trường nhưng đồng thời cũng yêu cầu cao về chất lượng, nguồn hàng phải đảm bảo tiêu chuẩn nên trong mùa dịch COVID-19 vừa rồi sức mua không giảm. Trung bình các hộ nông dân trồng rau, củ, quả sạch cung cấp cho cửa hàng được trả tiền từ 8-10 triệu đồng/tháng”, anh Quang chia sẻ.

Theo anh Quang, hiện nay, nhu cầu mua rau, củ, quả sạch của khách hàng ngày càng lớn. Tuy nhiên, quỹ đất sản xuất của thành phố không nhiều nên HTX chưa thể mở rộng sản xuất để cung ứng ngày càng nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp sạch và chất lượng tốt nhất ra thị trường.

Sắp tới, HTX đã đặt vấn đề liên kết với các hộ nông dân ở phường Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tiến hành trồng rau hữu cơ trên diện tích đất 1ha để tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi sản xuất & tiêu thụ khép kín. Song song với đó, HTX tiếp tục liên kết chặt chẽ với các HTX sản xuất rau sạch để cung ứng nguồn rau đa dạng, phong phú. Nếu kết quả sản xuất kinh doanh tiếp tục thuận lợi và phát triển, HTX sẽ mở thêm 1 cửa hàng nữa, mở rộng kênh bán online để tiêu thụ nhiều hơn sản phẩm của bà con nông dân, mang nông sản sạch đến gần với người tiêu dùng hơn.

Lan Anh