Huế: Phát triển thêm khoảng 9.900ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2021-2025

Tài nguyên - Ngày đăng : 13:46, 05/10/2020

(TN&MT) - Trong giai đoạn 2021-2025, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển thêm khoảng 9.900ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài keo.

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2021-2025, Thừa Thiên Huế phát triển thêm khoảng 9.900ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài keo. Trong đó, có khoảng 1.200 ha rừng trồng đạt tiêu chuẩn rừng trồng gỗ lớn theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Tổng vốn dự kiến thực hiện kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài keo giai đoạn 2021-2025 khoảng 488.800 triệu đồng từ nguồn vốn từ nguồn kinh phí khai thác rừng trồng sản xuất có nguồn gốc ngân sách nhà nước, vốn sản xuất kinh doanh của đơn vị; vốn tự có; vốn vay, liên doanh liên kết và huy động từ các chương trình, dự án.

Thừa Thiên Huế phát triển thêm khoảng 9.900ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2021-2025

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu, chính quyền địa phương cấp huyện, xã chú trọng tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng địa phương hạn chế khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh gỗ lớn để bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời tạo được nguồn gỗ có đường kính lớn phục vụ cho sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng trồng theo hướng bền vững, tiếp cận chứng chỉ rừng FSC. Đồng thời, chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi sản phẩm, trong đó doanh nghiệp làm trung tâm đầu mối liên kết các hợp tác xã, nhóm hộ gia đình, cá nhân có rừng trồng, đất lâm nghiệp để trồng rừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương, trồng rừng gỗ lớn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế rừng trước xu thế hội nhập. Đây là cơ hội và cũng là điều kiện quan trọng để chế biến, xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng. Lợi thế lớn hiện nay là trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu gỗ.

“Để tận dụng, phát huy lợi thế, tiềm năng, các ban ngành cần nghiên cứu đa dạng chủng loại rừng, mở rộng diện tích, hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, có biện pháp ứng phó thời tiết, bão lũ nhằm bảo vệ, phát triển rừng trồng... Về lâu dài, tỉnh đang nghiên cứu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai cho người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn có FSC”, ông Phương cho hay.

Rừng trồng góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện thành lập Hội chủ rừng phát triển bền vững (FOSDA) với chức năng bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các chủ rừng hộ gia đình quy mô nhỏ trong hoạt động kinh doanh rừng bền vững. Cùng đó, có nhiệm vụ thúc đẩy các chủ rừng tích cực hưởng ứng tham gia vào hoạt động quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn được Hội đồng quản trị rừng Quốc tế công nhận (tiêu chuẩn FSC).

Bên cạnh đó, tỉnh ban hành một số chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất lâm nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất lâm nghiệp để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng như sử dụng cây keo lai mô trong trồng rừng thâm canh gỗ lớn, tỉa thưa rừng keo trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng...

VĂN DINH