Điện Biên: Tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:45, 05/10/2020

(TN&MT) - Tăng cường công tác quản lý từ chuẩn bị đầu tư, sau đầu tư; sử dụng hiệu quả ngân sách đầu tư, khắc phục tình trạng yếu kém trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng; sử dụng, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng đang là vấn đề được tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm.

Tỉnh Điện Biên hiện có hơn 970 công trình thủy lợi trong đó có 13 hồ chứa, 5 trạm bơm, trên 700 công trình lấy nước đập dâng và 250 phai tạm. Tổng diện tích tưới thực tế đạt trên 26.200ha.

Tỉnh Điện Biên hiện có hơn 970 công trình thủy lợi trong đó có 13 hồ chứa, 5 trạm bơm, trên 700 công trình lấy nước đập dâng và 250 phai tạm. Tổng diện tích tưới thực tế đạt trên 26.200ha, đạt tỷ lệ 68% so với diện tích tưới thiết kế. Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi bao gồm: Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên, Công ty cổ phần xây dựng thủy lợi Điện Biên và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, đa số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn phân tán, quy mô nhỏ, chỉ phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp của người dân.

Theo Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND ngày 4 tháng 9 năm 2019 của UBND tỉnh Điện Biên quy định phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo đó, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh được chia thành 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện). Trong đó, các công trình thủy lợi UBND tỉnh quản lý, khai thác đập có chiều cao từ 10m trở lên hoặc hồ chứa nước có dung tích từ 500.000 m3 nước trở lên; các công trình thuộc cấp huyện quản lý khai thác đập có chiều cao dưới 10m hoặc hồ chứa nước có dung tích dưới 500.000 m3 nước.

Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên hiện nay quản lý 12 hồ chứa gồm: Hồ chứa bản Ban, Na Hươm, Sái Lương, Hồng Khếnh, Hồng Sạt, Pe Luông, Bồ Hóng, Huổi Phạ, Pa Khoang, Nậm Ngám, Sông Ún, Loọng Luông I. Hiện tại, Công ty đang chủ động các phương án, vật tư, trang bị đầy đủ tại các hồ chứa, sao cho vừa đáp ứng tích nước phục vụ sản xuất, vừa phải đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên kiểm tra thực tế tại đập đầu mối Hồ thuỷ lợi Nậm Khẩu Hu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên ngày 22/7/2020, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đã ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Điện Biên về đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập gắn với bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn trên địa bàn. Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị tỉnh Điện Biên cần có quy hoạch tổng thể về thuỷ lợi và an ninh nguồn nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an toàn hồ, đập trên địa bàn. Thực hiện phân kỳ đầu tư phù hợp; đảm bảo công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng để sinh thuỷ và giữ nước tại chỗ; tiến tới liên thông thuỷ lợi giữa các vùng, miềm trên toàn tỉnh để chủ động tưới tiêu, điều hoà; áp dụng khoa học kỹ thuật vào đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi, hồ đập; nâng cao giá trị tài nguyên nước…

Trao đổi về trách nhiệm quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, cho biết: Để quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của tỉnh; Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Công ty quản lý thuỷ nông, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, tổ hợp tác quản lý các công trình hồ, đập xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Công trình đại thủy nông Nậm Rốm, cung cấp nước tưới cho cánh đồng Mường Thanh rộng lớn.

Hàng năm, các đơn vị quản lý được giao nhiệm vụ quản lý hồ, đập chủ động xây dựng kế hoạch tưới tiêu, điều tiết phân phối nước; rà soát các công trình hư hỏng, xuống cấp để lập kế hoạch ưu tiên các hạng mục công trình mang tính cấp bách đưa vào tu sửa, nâng cấp từ nguồn kinh phí được phân cấp hàng năm; tổng hợp kết quả đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn được giao quản lý. Đối với việc sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí; các huyện, thành phố đã thực hiện thu chi, thanh quyết toán đúng với hướng dẫn của Sở Tài chính và Sở NN&PTNT.

Hiện, cơ bản các công trình thủy lợi sau đầu tư đều có tổ hợp tác dùng nước quản lý trực tiếp, gắn trách nhiệm quản lý của cộng đồng; nhất là đối với các hộ được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn đối với công trình. Các công trình được quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên, những hư hỏng nhỏ đều được sửa chữa kịp thời; qua đó, các công trình được khai thác một cách hợp lý, tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước và phát huy hiệu quả đầu tư; phục vụ tốt cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư.

Hệ thống kênh nội đồng phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp của xã Thanh An (huyện Ðiện Biên).

Cũng theo ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên: Hiệu quả của các công trình thủy lợi trong tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ cao hơn khi khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong quá trình quản lý vận hành. Do đó, chính quyền các địa phương từ huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn cần quan tâm đến công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình; tăng cường kiện toàn các tổ quản lý và bố trí nguồn kinh phí để kịp thời thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình.

Trần Sơn