Hồ Bể, nguồn tài nguyên biển gọi mời
Du lịch - Ngày đăng : 07:40, 05/10/2020
Du khách tắm biển Hồ Bể |
“Hồ Bể mênh mông sóng xô bờ
Vĩnh Châu cảnh đẹp quá nên thơ
Say đắm hồn ai khi lạc bước
Tình người, tình biển lắm mộng mơ”
Đây là những câu thơ mộc mạc mà rất nhiều người ở vùng biển nầy thường tự hào đọc cho du khách thưởng thức mỗi khi đến đây để quảng bá cho một bãi biển hoang sơ đẹp và hiếm hoi của tỉnh Sóc Trăng.
Bãi biển được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu thế
Đoàn du khách đến từ Khánh Hòa tỏ ra rất tâm đắc khi nghe người bán hàng rong tại bãi biển đọc vanh vách 4 câu thơ “ruột” khi đặt chân đến bãi biển Hồ Bể ( tọa lạc tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).
Ông Trần Hoàng Trung vui vẻ nói: “Thật lạ. Cùng là bãi biển Nam bộ như bãi biển Ba Động (Trà Vinh); Cồn Bửng (Bến Tre), Gành Hào (Bạc Liêu)…nhưng bãi biển Hồ Bể rất dài, đẹp, có nhiều giồng cát trắng, không có những hố xoáy nguy hiểm, có nhiều đặc sản biển rất hấp dẫn và không khí thật trong lành”.
Muốn đến biển Hồ Bể có đến 3 con đường khá thuận lợi : một là từ TP Cần Thơ xuôi theo đường Nam Sông Hậu đến đây khoãng 100 km; hai là đi từ TP Sóc Trăng xuống khoãng 55 km; 3 là đi từ TP Bạc Liêu đến với cự li xấp xỉ 60 km.
Nhớ những năm về trước, bãi biển nầy rất hoang vắng, chỉ thu hút vài mươi khách du lịch từ các địa phương khác đến đây muốn tham quan tìm hiểu. Cạnh đó con đường dẫn xuống bãi biển rất xốc, gồ ghề, khó đi nên nhiều du khách ngán ngại. Tuy nhiên đó chỉ là quá khứ bởi hiện nay các tuyến đường đến đây đã thông thoáng, sạch đẹp. Men theo con đường đến bãi biển, chúng tôi bắt gặp vô số cánh rừng tràm, đước, mắm còn nguyên sinh chưa có dấu hiệu khai thác, xâm hại. Cạnh đó là hàng trăm ha đất được người dân trồng cây Thuốc cá, hành tím, khoai lang, bắp và các loại rau màu khác.
Ông Trần Hoàng Long, ngụ ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải cho biết: “Du khách đến đây rất thích chụp ảnh lưu niệm với những thửa rẫy trồng rau màu. Riêng gia đình tui lúc nầy mần ăn khá hơn bởi có được một điểm kinh doanh ăn uống tại bãi biển, mỗi ngày kiếm được trên 800.000 đồng, ngày lễ, chủ nhật, thứ bảy thì khá hơn nhiều”.
Sẵn dịp, ông Long kể cho đoàn chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện rất lạ, thú vị, hấp dẫn như: Chuyện Bác Tôn Đức Thắng cùng 10 người tù Côn Đảo vượt ngục về đây ngay trên bãi biển Hồ Bể nầy để lãnh đạo cuộc nổi dậy Cách Mạng Tháng Tám 1945, hiện địa phương đã xây dựng bia kỷ niệm truyền thống này.
Hai là câu chuyện huyền bí của ngôi mộ của công chúa Mỹ Thanh, tương truyền là con gái của vua Gia Long khi lưu vong trước sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn đã ẩn náu tại đây (ấp Sâm Pha, xã Lạc Hòa nay là xã Vĩnh Hải) cùng đoàn tùy tùng rồi mắc bệnh hiểm nghèo và mất tại đây. Tuy nhiên vẫn chưa có cơ sở chính thống để xác nhận câu chuyện trên.
Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn lập mộ và thờ cúng thường xuyên và đặt cho cửa biển và vùng đất nầy cái tên Mỹ Thanh cho đến hôm nay. Trên đường đến Hồ Bể từ hướng TP Cần Thơ, du khách sẽ đi qua cầu Mỹ Thanh rất to, rộng, đẹp nhất tỉnh Sóc Trăng.
Tại bãi biển, dù là ngày thường nhưng chúng tôi bắt gặp khá nhiều du khách đến tắm biển, ăn uống với nét mặt hồ hởi. Có hàng chục quán ăn với các loại đặc sản như: tôm Sú, tôm Thẻ, cá Thòi Lòi, Bạch tuộc và nhiều loại thủy sản miền biển khác với giá phải chăng. Điều rất lạ là ở đây không có Ban Quản Lý nên chuyện mua bán diễn ra tự phát nhưng rất trật tự; không có nạn mồi chày, chặt chém; không thu tiền gởi xe ô tô lẫn mô tô; không thu phí vệ sinh.
Chi Nguyễn Thị Kiều, chủ quán ăn Gió Biển kể: “Hồi trước bán ế ẩm lắm, từ khi nhà nước làm đường ngon lành rồi động thổ khu du lịch tâm linh nghe nói tới hàng chục mẫu đất cách nay vài ngày, du khách đổ xô về đây rất nhiều, từ đó mình mua bán cũng “ sung” lên”.
Men theo bãi biển mịn màng cát trắng, chúng tôi tìm đến điểm đang xây dựng khu du lịch tâm linh bãi biển Hồ Bể với diện tích 20 ha, dự kiến sẽ xây tượng Phật cao đến 49 mét hướng mặt ra biển Đông và các công trình phụ trợ khác chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách đến đây tham quan, nghỉ dưỡng. Cạnh đó tại đây đang khởi công xây dựng nhiều nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí với qui mô lớn phục vụ người dân, nhất là giới trẻ sinh viên, học sinh.
Chiều xuống, những đoàn tàu đánh cá kéo nhau vào bờ với vô số thủy sản đánh bắt được. Chúng tôi cảm nhận trong mây trời và sóng biển ở đây phãng phất bóng dáng người thủy thủ Ba Son Tôn Đức Thắng đang trên con tàu vượt ngục Côn Đảo tiến dần vào đất liền; cảm nhận bóng dáng yêu kiều, mỹ lệ của công chúa Mỹ Thanh đang ngồi gảy đàn bên cửa biển với những bài hát nao lòng.