Kết quả giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 21:27, 04/10/2020
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện trong 9 tháng tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Ảnh minh họa |
Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao xuất phát từ kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 597,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 21,5%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 1,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 0,2%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.445,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34,7% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 484,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 641,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,4% và tăng 2,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 319,1 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1% và giảm 2,5%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ NSNN thực hiện 9 tháng ước tính đạt 303 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% kế hoạch năm và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 59,3% và tăng 6,3%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 1.947 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10,4 tỷ USD, giảm 29,4% về số dự án và giảm 5,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 798 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 6,8%; có 5.172 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 5,7 tỷ USD, giảm 44,9%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt gần 13,8 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,8 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 2 tỷ USD, chiếm 14,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt gần 1 tỷ USD, chiếm 6,9%.
Trong 9 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 45,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt gần 4,4 tỷ USD, chiếm 41,9%; các ngành còn lại đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 12,6%.
Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 9 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,7 tỷ USD, chiếm 44,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,079 tỷ USD, chiếm 10,42%; Hàn Quốc 1,076 tỷ USD, chiếm 10,39%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 876,1 triệu USD, chiếm 8,5%; Đài Loan (Trung Quốc) 852,4 triệu USD, chiếm 8,2%.
Ở chiều ngược lại, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2020 có 96 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký đạt 268,3 triệu USD; có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 163,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 432,1 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước,
Trong 9 tháng có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 21,4%; Lào 88,7 triệu USD, chiếm 20,5%; Úc 71,8 triệu USD, chiếm 16,6%; Hoa Kỳ 67,8 triệu USD, chiếm 15,7%.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kinh tế 9 tháng năm 2020 đạt mức tăng trưởng 2,12%, thấp nhất giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, kinh tế-xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Trong lúc đầu tư trực tiếp nước ngoài gặp khó, thì đẩy nhanh vốn đầu tư công được coi là giải pháp then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế. Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất có thể so với kế hoạch đề ra thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng; chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cấp bách để triển khai ngay trong năm, nâng cao năng lực sản xuất và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.