Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển – Những “bước đi” ra biển lớn
Khoáng sản - Ngày đăng : 20:52, 03/10/2020
Từ những kết quả bước đầu…
Trải qua 5 năm xây dựng, đến nay, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đã có những bước phát triển tích cực về nhân lực, công nghệ, thiết bị điều tra. Liên đoàn đã và đang thực hiện 22 nhiệm vụ chuyên môn gồm 1 Dự án Chính phủ, 2 đề án điều tra cơ bản, 4 đề tài khoa học công nghệ, 16 nhiệm vụ giám sát thăm dò và dịch vụ tư vấn hoạt động khoáng sản, với tổng giá trị thực hiện gần 90 tỷ đồng. Các nhiệm vụ Liên đoàn thực hiện đều hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng, cung cấp số liệu, dữ liệu tin cậy, chính xác, phục vụ kịp thời nhu cầu của đất nước và xã hội.
Mặc dù là đơn vị còn “non trẻ” so với nhiều đơn vị khác thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhưng Liên đoàn luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng. Những dự án có thể kể đến gồm: Dự án “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam" (Dự án 47-ĐCCT) thuộc Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Đề án “Điều tra địa chất khoáng sản, tai biến địa chất, môi trường địa chất tỷ lệ 1:100.000 vùng biển 0-30m nước từ Hải Phòng đến Nga Sơn Thanh Hóa”.
Ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển (ngoài cùng bên trái) và đoàn kiểm tra công tác thi công Dự án 47-ĐCCT trao đổi thông tin về dự án |
Liên đoàn cũng đã thực hiện 5 đề tài khoa học công nghệ (KHCN) về địa chất, khoáng sản biển, trong đó có một đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình Nghiên cứu KHCN phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển. Kết quả đề tài này đã làm rõ quy luật phân bố và triển vọng sa khoáng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng vùng biển từ 0-200m nước Đông Nam Bộ, xác định các cơ sở định hướng công tác quy hoạch điều tra, thăm dò tiến đến khai thác khoáng sản vùng biển từ 0-200m nước Đông Nam Bộ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo...
Theo Liên đoàn trưởng Nguyễn Tiến Thành, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Liên đoàn cũng chú trọng vào năng lực điều tra, nghiên cứu, đảm bảo chất lượng công tác năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, Liên đoàn cơ bản làm chủ công nghệ điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất công trình vùng biển nông; lấy mẫu đáy biển đến 5m; khoan biển đến độ sâu 20m nước với tỷ lệ lấy mẫu đạt trên 90%; bước đầu hình thành các chuyên ngành trong điều tra, nghiên cứu địa chất, khoáng sản biển theo hướng phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
…đến những “bước đi” ra biển lớn
Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 và Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, Liên đoàn đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động điều tra, nghiên cứu.
Theo đó, để phục vụ phát triển bền vững dải ven biển, Liên đoàn đã đẩy mạnh điều tra, nghiên cứu, làm rõ đủ mức đặc điểm địa chất công trình, địa chất môi trường, địa chất tai biến và đánh giá sức chịu tải, khả năng chống chịu của đới ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo cơ sở quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị thích ứng với điều kiện tự nhiên.
Giàn khoan biển GKB.02 khoan biển đến độ sâu 20m nước với tỷ lệ lấy mẫu đạt trên 90% |
Để phát triển du lịch và dịch vụ biển thành ngành kinh tế biển đột phá theo Nghị quyết số 36-NQ/TW, Liên đoàn sớm thực hiện nhiệm vụ điều tra tổng thể về cảnh quan địa chất, di sản địa chất, tiến đến xác lập các công viên địa chất biển, ven biển, vừa tăng cường hiểu biết về biển, tạo cơ sở phát triển du lịch và dịch vụ biển kinh tế, bảo tồn tự nhiên, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia vùng biển đảo; đồng thời còn phát huy được các giá trị văn hoá, khoa học và giáo dục, làm tăng thêm niềm tự hào và tình yêu biển đảo đối với mỗi người Việt Nam.
Đối với vùng biển nông và thềm lục địa, cần sớm hoàn thành điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản, tài nguyên môi trường tỷ lệ 1:100.000; điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng ilmenit - zircon và các khoáng sản khác dọc theo bờ biển và phần kéo dài từ đất liền ra biển của các đới khoáng sản đã được phát hiện trên lục địa; đánh giá triển vọng khoáng sản làm vật liệu xây dựng vùng ven bờ; các loại tài nguyên mới. Đối với sườn lục địa và vùng biển sâu, cần gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, đánh giá tiềm năng kết hạch sắt - mangan, khí hydrate.
Để thực hiện tốt các định hướng trên, Liên đoàn trưởng Nguyễn Tiến Thành cho biết Liên đoàn đã chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nâng cao năng lực điều tra; xây dựng và phát triển các mũi nhọn về điều tra, nghiên cứu địa chất công trình, địa chất tai biến, địa chất môi trường ven biển và biển nông; điều tra, thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng vùng biển nông; khoáng sản rắn vùng biển sâu; nâng cao năng lực lấy mẫu đáy biển, khoan biển; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất dịch vụ và hợp tác quốc tế.