Quyết liệt đổi mới, tạo đột phá trong bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:33, 03/10/2020
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về việc thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Cầu giai đoạn 2006 – 2020 vào chiều ngày 2/10, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân yêu cầu trong thời gian tới, phải quyết liệt triển khai các biện pháp cụ thể, đổi mới phương thức quản lý để bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu nói chung và cải thiện sông Bắc Hưng Hải nói riêng.
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ TN&MT, có ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, lãnh đạo và cán bộ Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc. Về phía UBND tỉnh Hải Dương, có ông Nguyễn Dương Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành TP.Hải Dương…
Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại buổi làm việc |
Nỗ lực của địa phương
6 tỉnh trên lưu vực sông Cầu, bao gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Cạn và Hải Dương. Trong đó, Hải Dương là tỉnh nằm cuối lưu vực sông Cầu, chịu áp lực, ảnh hưởng rất lớn từ chất lượng nước sông Cầu do 5 tỉnh trên lưu vực, đặc biệt là hoạt động xả thải của các tỉnh có quy mô xả thải lớn như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Để bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, theo thông tin từ UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu theo Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu” với việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm và các Chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường của tỉnh.
Ông Nguyễn Dương Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu phát biểu |
Thực hiện Đề án này, tỉnh đã tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu; tổ chức xây dựng và triển khai quy hoạch về bảo vệ môi trường, các đề án về xử lý, cải thiện chất lượng nước sông Cầu trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, về cơ bản các khu công nghiệp đang hoạt động đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Tỉnh đã đầu tư 2 nhà máy xử lý rác thải tập trung, bao gồm: Nhà máy xử lý rác thải Seraphin Hải Dương của Công ty cổ phần môi trường APT - Seraphin Hải Dương tại xã Việt Hồng - Thanh Hà với công suất khoảng 200 tấn/ngày đêm; Nhà máy xử lý rác thải tại xã Việt Hồng của Công ty CP quản lý công trình đô thị Hải Dương có công suất thiết kế 248 tấn/ngày đêm (trong đó: rác thải sinh hoạt là 183 tấn/ngđ, rác thải công nghiệp thông thường là 65 tấn/ngày đêm).
100% chất thải y tế được thu gom, xử lý; 98,5% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý. 72,7% tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nghiêm trọng đã được xử lý triệt để. 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng sử dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải.
Đáng ghi nhận, 9/9 cơ sở phát sinh nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm đã đầu tư trạm quan trắc liên tục, tự động đối với nước thải và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương để theo dõi, giám sát. 7/17 cơ sở phát sinh khí thải lưu lượng lớn đã đầu tư trạm quan trắc liên tục, tự động đối với nước thải và truyền dữ liệu về Sở TN&MT tỉnh Hải Dương để theo dõi, giám sát, đạt tỷ lệ 41,2%.
Hạ nguồn vẫn đối mặt ô nhiễm
Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác bảo vệ môi trường, song tỉnh Hải Dương vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm. Đại diện Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cho biết, hệ thống sông Bắc Hưng Hải chảy qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương mà tỉnh Hải Dương được coi như là hạ nguồn của sông Bắc Hưng Hải. Nơi đây, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng môi trường nước theo đợt ngày càng tăng.
Nguyên nhân gây ô nhiễm là do phải tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt của khu dân cư dọc hai bờ sông và đặc biệt là chất lượng nước sông Cầu Bây đã bị ô nhiễm từ thành phố Hà Nội chảy qua tỉnh Hưng Yên, chảy về tỉnh Hải Dương. Chất lượng nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước cấp cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân sinh sống 02 bên bờ sông do nước thải phát sinh mùi khó chịu.
Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu |
Về công tác bảo vệ môi trường, kết quả khảo sát, kiểm tra mới đây của Tổng cục Môi trường cho thấy, trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong danh mục quy hoạch khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 18 KCN. Đến nay đã có 10 KCN được quy hoạch chi tiết, trong đó: Có 09 KCN cơ bản đã đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo theo đúng quy định, gồm: KCN Nam Sách, Đại An, Phúc Điền, Tân Trường, Việt Hòa - Kenmark (hiện tại KCN này đã được Công ty Cổ phần nhựa và môi trường xanh An Phát tiếp nhận và đang triển khai dự án), Lai Vu, Phú Thái, Lai Cách, VSIP; 1 KCN đang giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật (KCN Cộng Hòa, tuy nhiên, KCN đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1).
Hải Dương cũng có 33 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động và đã thu hút được trên 300 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 62%. Tuy nhiên, hiện nay mới có 3 CCN được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (CCN Lương Điền, Văn Tố và Nhân Quyền), 11 CCN được phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động hầu hết chưa có chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng nên chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên các cơ sở trong CCN đều phải tự xử lý tại cơ sở và thải ra mương tiếp nhận chung của địa phương.
Tại các làng nghề, phần lớn nước thải, chất thải rắn, lỏng và chất thải nguy hại chưa được thu gom, xử lý theo đúng quy định mà đổ thải ngay tại các ao, hồ, kênh mương và các khoảng đất trống trong làng, ngoài đồng gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Môt số làng nghề tiếp tục bị ô nhiễm kéo dài như: Làng nghề Tống Buồng - Kinh Môn, làng nghề Đông Giao - Cẩm Giàng, mộc Cổ Dũng - Kim Thành,...
Tỉnh cũng có 14 đô thị, song chỉ có thành phố Hải Dương có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với công suất thiết kế 13.000m3/ngày đêm. Tại khu vực nông thôn, 100% khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Phải quyết liệt đổi mới, tạo đột phá trong quản lý
Ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Hải Dương trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, song Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng bày tỏ nỗi trở trăn về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện hữu, nhất là trên hệ thống Bắc Hưng Hải.
“Trong thời gian tới, chất lượng nước ở sông Bắc Hưng Hải phải được cải thiện thực sự. Muốn vậy, phải quyết liệt ngay từ thời gian đầu khi hoạch định chính sách và thực thi chính sách. Điều này đòi hỏi Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu trong giai đoạn tới phải có sự đổi mới căn bản, đề ra được cơ chế hoạt động của Ủy ban lưu vực sông một cách hiệu quả hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Toàn cảnh cuộc họp |
Đề nghị với UBND tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, tỉnh cần tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp, có lộ trình xây dựng khu xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư.
Từ cuối năm nay, tỉnh phải có kế hoạch bảo vệ môi trường chu đáo, quyết liệt, rành mạch. Kiên quyết đóng cửa cơ sở sản xuất nếu xả trộm ra môi trường.
Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương quan tâm, chỉ đạo sát sao việc sớm đưa các Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cấp tỉnh theo quy hoạch chất thải rắn của tỉnh đã được phê duyệt sớm được triển khai, đưa vào hoạt động. Rà soát, đóng cửa các bãi chôn lấp, lò đốt rác thải sinh hoạt cấp xã không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Có biện pháp thu gom, xử lý triệt để toàn bộ lượng rác thải tồn đọng, chôn lấp không đúng quy định về bảo vệ môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại 02 Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án BVMT lưu vực sông Cầu giai đoạn (2006 - 2020) và định hướng quản lý môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức tại tỉnh Hải Dương, vào tháng 12/2020.