Điều tra địa chất xạ hiếm: Chú trọng đào tạo trình độ chuyên môn cho các nhà khoa học trẻ
Khoáng sản - Ngày đăng : 07:10, 03/10/2020
|
Xung quanh nội dung này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với ông Trịnh Đình Huấn - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm.
PV: Thưa ông, trong những năm qua Liên đoàn đã ứng dụng KHCN như thế nào để ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động và sản xuất?
Ông Trịnh Đình Huấn: Các kết quả nghiên khoa học là tài liệu rất quan trọng để định hướng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các đề án địa chất, dự án môi trường của đơn vị. Ngoài ra, các kết quả đó còn góp phần vào việc xây dựng các Quy định kỹ thuật cũng như các tiêu chuẩn để áp dụng trong ngành.
Chẳng hạn, đề án “Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam” là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Liên đoàn, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì và Liên đoàn là đơn vị thực hiện.
Các kết quả nhiên cứu khoa học được áp dụng từ kết quả nghiên cứu từ năm 2005 - 2018 của các đề tài: “Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng quan tài nguyên, trữ lượng urani ở Việt Nam” năm 2005; “Nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học phục vụ công tác đánh giá an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác quặng phóng xạ vùng Thành Mỹ và đề xuất giải pháp phòng ngừa” năm 2010; “Nghiên cứu xác định hệ số cân bằng phóng xạ, hệ số eman hóa quặng urani trong cát kết vùng trũng Nông Sơn” năm 2011; “Nghiên cứu xây dựng các mô hình kiểu mỏ urani trong cát kết ở Việt Nam” năm 2013 và 3 chuyên đề nghiên cứu của đề án là: “Xác lập đặc điểm thạch học - tướng đá và điều kiện thành tạo quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng có sự tham gia các nhà khoa học thuộc Viện VSECGEI - Cộng hoà Liên bang Nga”; “Tính toán tài nguyên quặng urani theo tài liệu địa vật lý lỗ khoan” và “Xác lập quy luật biến đổi các thông số tính trữ lượng và xác định trữ lượng quặng urani Pà Lừa - Pà Rồng bằng phần mềm surpac”.
Phân tích các nhân phóng xạ tự nhiên trên mẫu môi trường bằng thiết bị ORTEC GEM 30 |
Trong suốt 10 năm thi công đề án thăm dò quặng urani, các mô hình kiểu mỏ urani trong cát kết đã được áp dụng để định hướng trong việc bố trí các công trình thăm dò, đặc biệt là các công trình khoan máy cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm khối lượng, thi công đúng đối tượng và đạt hiệu quả của công tác thăm dò. Qua kết quả chuyên đề: “Xác lập đặc điểm thạch học - tướng đá và điều kiện thành tạo quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng”, các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia thuộc Viện VSECGEI - Cộng hoà Liên bang Nga chỉ ra rằng sự tồn tại của các thân quặng dưới sâu phần giáp với móng granit là có triển vọng. Ngoài ra, còn khẳng định bồn trũng Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam có triển vọng quặng urani của Việt Nam.
Song song với công tác thi công thực địa của đề án, công tác nghiên cứu thành phần vật chất quặng luôn được quan tâm để làm rõ về tính khả tuyển cũng như hiệu quả kinh tế khẳng định giá trị mỏ urani.
Các vấn đề này được thực hiện trong các đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng các quy trình phân tích các nhóm nguyên tố urani, thori và đất hiếm trong đất, đá, nước trên hệ thiết bị ICP-MS Agilent 7700x” và “Kết quả xử lý, thử nghiệm mẫu công nghệ của Viện Công nghệ Xạ - Hiếm”.
Các quy trình phân tích mẫu urani đã công nhận chứng chỉ VLAS331 (ISO - 17025: 2010), đảm bảo chất lượng phân tích mẫu phản ánh đúng bản chất tự nhiên của khoáng sản. Kết quả thử nghiệm mẫu công nghệ urani đã đưa ra hệ số thu hồi và urani đạt thương phẩm (yellow cake).
PV: Thưa ông, công tác nghiên cứu khoa học của Liên đoàn trong những năm qua đã đạt những thành tựu gì? Trong quá trình nghiên cứu, Liên đoàn đã gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Ông Trịnh Đình Huấn: Liên đoàn luôn khuyến khích các nhà khoa học trẻ tích cực nghiên cứu khoa học. Trong các năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của Liên đoàn gặp nhiều thuận lợi, nhưng cũng tồn tại một số khó khăn nhất định.
Về thuận lợi, công tác nghiên cứu khoa học luôn được sự quan tâm và ủng hộ của các cấp lãnh đạo cũng như sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo Liên đoàn. Thông qua việc nghiên cứu khoa học, các kỹ sư trẻ sẽ tự nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội kỹ thuật lớn mạnh về chất cho Liên đoàn.
Liên đoàn có lực lượng lao động trẻ tương đối dồi dào, với gần 100 cán bộ kỹ thuật là các đoàn viên thanh niên, lực lượng này nắm bắt rất nhanh các vấn đề mới, có sức khỏe và say mê nghiên cứu khoa học. Điều này cũng tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, nguồn tài liệu nghiên cứu phong phú cũng là sự thuận lợi. Hiện nay, cùng với các nguồn tài liệu từ sách, báo, internet,... với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc tìm kiếm các nguồn tài liệu từ các máy tính ngày càng dễ dàng hơn, số lượng tài liệu ngày càng phong phú hơn.
Phân tích các nguyên tố xạ hiếm trên hệ thống thiết bị ICP-MS Agilent 7700x |
Cùng với đó, các đề tài nghiên cứu khoa học phù với các lĩnh vực về địa chất khoáng sản, môi trường khoáng sản độc hại, phân tích mẫu mà Liên đoàn đang thực hiện.
Về khó khăn, các bạn trẻ tuy nắm bắt rất nhanh nhưng còn thiếu kinh nghiệm trong việc thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học; chưa có sự chủ động trong việc thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học từ đầu đến cuối.
Lực lượng trẻ cũng chưa có sự chủ động nhất định trong việc đưa ra các ý tưởng để nghiên cứu trong các đề tài. Hơn nữa, thời gian dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn bị hạn chế bởi do công tác tại các đề án, dự án.
Đặc biệt, một số số liệu quan trọng như kết quả phân tích cần độ chính xác cao (chẳng hạn như tuổi đồng vị…) trong nước ta còn hạn chế, hầu hết phải gửi sang nước ngoài, do vậy ảnh hưởng hưởng đến tiến độ của việc nghiên cứu khoa học.
PV: Theo ông, để công tác điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất xạ hiếm ngày càng hiệu quả hơn, trong thời gian tới cần có những giải pháp như thế nào?
Ông Trịnh Đình Huấn: Trong thời gian tới, Liên đoàn sẽ tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khoáng sản phóng xạ và đất hiếm, đặc biệt là khoáng sản Thori ít được đề cập đến.
Đồng thời, các khu vực có triển vọng về quặng urani đã được phát hiện trước đây cần phải có các chuyên đề nghiên cứu sâu để làm rõ tiềm năng của chúng.
Liên đoàn cũng sẽ tăng cường trang thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ công tác nghiên cứu ngoài trời, cũng như phân tích số liệu trong phòng. Ngoài ra, tăng cường công tác Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, tiếp thu các nghiên cứu mới cũng như đào tạo trình độ chuyên môn cho các nhà khoa học trẻ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!