Đà Nẵng: Góp ý cho Kế hoạch Hành động về quản lý rác thải nhựa tại quận Thanh Khê
Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 17:58, 02/10/2020
Hội thảo Góp ý Kế hoạch Hành động về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê đến năm 2025 |
Kế hoạch Hành động về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê đến năm 2025 nằm trong khuôn khổ Dự án “Đô thị giảm nhựa tại TP. Đà Nẵng” do tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tài trợ.
Hội thảo trực tuyến lần này gồm điểm cầu thứ nhất tại Sở TN&MT Đà Nẵng với các thành phần: Sở TN&MT, các Sở, ngành, phòng, đơn vị liên quan, chuyên gia. Và điểm cầu thứ hai là tổ chức WWF. Hội thảo nhằm hoàn thiện dự thảo Kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian đến.
Giảm 30% rác thải nhựa, 100% cơ quan nhà nước không sử dụng chai nhựa
Theo Kế hoạch Hành động về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê đến năm 2025 được soạn thảo mục tiêu đặt ra với đến năm 2022: Hoàn thành đánh giá hiện trạng phát sinh rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê; Giảm 30% ô nhiễm rác thải nhựa; 100% các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn quận không sử dụng chai nước và ống hút nhựa trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện; Xây dựng một mô hình thí điểm “Chợ không sử dụng túi ni lông” tại 01 chợ dân sinh; Xoá ít nhất 03 điểm nóng rác thải và đảm bảo không phát sinh điểm nóng rác thải mới; ít nhất 10 trường trên địa bàn của quận tổ chức được hoạt động lồng ghép chương trình giáo dục môi trường - RTN; Tổ chức các hoạt động truyền thông định kỳ về ô nhiễm RTN và các hoạt động giảm thiểu cho cộng đồng.
Đến năm 2025: Các hoạt động và mô hình thí điểm thành công trong năm 2021 - 2022 được thể chế hóa bằng văn bản, chính sách cụ thể của quận; Giảm 90% ô nhiễm RTN so với năm 2022; 100% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn quận thực hiện phân loại rác tại nguồn; Ít nhất 50% các cơ sở kinh doanh không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các khu du lịch và dịch vụ ven biển; ít nhất 50% ngư dân không thải bỏ ngư cụ, rác nhựa xuống biển; Xây dựng và thí điểm thực hiện cơ chế hỗ trợ ưu tiên các nhà cung cấp sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường…
Từ kế hoạch này, các chuyên gia cũng như các bên liên quan đã đưa ra một số ý kiến đóng góp bổ sung thay đổi, làm rõ một số mục tiêu, nhiệm vụ cho Kế hoạch.
Mục tiêu xây dựng chợ không sử dụng túi ni lông cần đảm bảo người dân và tiểu thương được tiện lợi và thoải mái nhất khi triển khai |
Cụ thể hóa các mục tiêu
Theo TS Quách Thị Xuân - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) cho rằng mục tiêu giảm 30% ô nhiễm rác thải nhựa chưa cụ thể cần đổi thành giảm thất thoát 30% rác thải nhựa. Đối với việc thu gom túi ni lông tại các chợ cần phân loại thu gom vì túi ni lông thân thiện môi trường có thời gian phân hủy ít hơn túi ni lông thông thường, và các loại rác thải khác nên cần phân loại rác thải thông thường, túi ni lông thân thiện môi trường, túi ni lông truyền thống.
Đồng thời bà nhìn nhận, các nhà hàng khách sạn không thể tự xử lý được rác thải nhựa, họ chỉ có thể giảm sử dụng và sử dụng lại, chuyển sang sử dụng các loại thay thế đồ nhựa. Cần bổ sung thêm hoạt động ký cam kết giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần, mỗi hoạt động bao nhiêu hộ đăng kí, bao nhiêu hộ áp dụng.
TS Phạm Phú Song Toàn, trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng đề nghị: việc triển khai dự án nơi tập trung đầu tiên phải là trường học và các khu văn phòng. Bởi vì các anh chị nơi đấy sau này vẫn quay về trong cộng đồng, các em quay về gia đình. Nếu các hoạt động tác động tích cực tới các em sớm muộn gì cũng sẽ góp phần đến cộng đồng xã hội. “Vậy tại sao chúng ta không áp dụng môi trường trường học không có nhựa sử dụng 1 lần. Đa phần các em sửa dụng vì nó tiện lợi, vì nó có thể mua mang theo”, ông nói.
Theo Phó giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Võ Nguyên Chương, quận Thanh Khê có thành phần công giáo khá nhiều, việc triển khai Dự án nên đề cập đến thành phần công giáo và có thể tổ chức một vài hoạt động giảm rác thải nhựa trong chùa, nhà thờ để tăng tính tuyên truyền và trách nhiệm cho các thành phần giáo dân.
Việc nâng cao ý thức cho các em trong các trường học về giảm thiểu RTN là rất cần thiết và hiệu quả |
Bên cạnh đó, đại diện các phường của quận Thanh Khê và các chuyên gia đều cho rằng, mô hình “Chợ không sử dụng túi ni lông” (chợ Phú Lộc) là một mô hình không hề đơn giản, khi yêu cầu ko sử dụng túi ni lông thì phải có giải pháp thay thế để người sử dụng cảm thấy thoải mái, tiện lợi khi áp dụng. Nhu vậy, các tiểu thương sẽ không gian dối trong việc triển khai với những điều kiện khắt khe trong 5 năm thực hiện và việc tiếp tục duy trì sau 5 năm thí điểm.
Các phường cho rằng, để dự án triển khai tốt cần nâng cao ý thức người dân vì đây là thành phần quan trọng góp phần cho thành công của Kế hoạch, nhiều buổi ra quân dọn vệ sinh chỉ thấy cán bộ, nhân viên các sở ngành chứ không thấy người dân.
Ông Lê Trung Minh Tân – Trưởng phòng TN&MT quận Thanh Khê cho biết, Thanh Khê là địa bàn đã triển khai thí điểm rất nhiều dự án bảo vệ môi trường và đã có nhiều chương trình phát động bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa nên khi tiếp nhận Dự án này quận đã có thể áp dụng kinh nghiệm triển khai từ các Dự án trước. Trước đây quận đã tuyên truyền đến người dân khi ra biển mang theo một túi lưới để đựng rác rồi mang về nhà thay vì người dân vứt rác ra biển.
Về việc sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường Thanh Khê cũng là quận đầu tiên của thành phố triển khai tuy nhiên gặp khó khăn trong giá thành. Lượng túi ni lông thân thiện môi trường quận đã tiêu thụ tính đến cuối quý I là 9.000 ký.
Sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần |
Đại diện Tổ chức WWF đánh giá Kế hoạch này đã khá chi tiết, các nhóm hoạt động theo chức năng nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng. Cách tiếp cận theo đối tượng gồm trường học, chợ, văn phòng là cách tiếp cận mới rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc xây dựng chợ không sử dụng túi ni lông chưa cụ thể, theo nhiệm vụ thực hiện thì chỉ nói đến phân loại rác tại các chợ chứ chưa làm rõ từ việc phân loại rác tiến tới giảm thiểu RTN.
Đại diện WWF khuyến khích mục tiêu không sử dụng sản phẩm nhựa tại trường học. Theo đó, phía WWF đưa ra một số mô hình của các trường ở các địa phương khác như không cho học sinh mang đồ ăn sáng vào trường, tổ chức các buổi hoạt động tìm hiểu về RTN, các giáo viên thường xuyên nhắc nhở các em về tác hại RTN…
Kết luận hội thảo, Phó giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Võ Nguyên Chương đanh giá đây là dự án có tính khả thi cao. Ông Võ Nguyên Chương đề nghị phòng TN&MT quận Thanh Khê tham mưu UBND quận để làm việc với Tổ chức WWF tiếp nhận nguồn hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để sớm triển khai Kế hoạch. Đối với phía các chuyên gia cần tương tác nhiều hơn với các cán bộ cơ sở để giải quyết tốt khâu hiện tại.
Ông Võ Nguyên Chương cũng gửi lời cảm ơn Tổ chức WWF và dự định sau khi dự án triển khai thành công tại Thanh Khê, Sở TN&MT sẽ tìm nguồn hỗ trợ (nếu WWF không tài trợ nữa) để nhân rộng dự án ra các địa phương khác trên toàn thành phố.