Ứng dụng công nghệ hiện đại vào mạng lưới quan trắc Khí tượng thuỷ văn

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:48, 02/10/2020

(TN&MT) - Đó là một trong những nội dung quan trọng được tập trung thảo luận tại Hội thảo khoa học "Công nghệ quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai thời kỳ công nghệ số" và “Tham vấn về thông tin khí tượng thủy văn phục vụ công bố rủi ro thiên tai", sáng nay (2/10).

Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành KTTV và trực tuyến đến 63 đầu cầu tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước và các đầu cầu thuộc Viện KH KTTV&BĐKH.

Chú trọng công nghệ 4.0 trong quan trắc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, ngành KTTV với bề dày lịch sử, từ khi thành lập cho đến nay đã không ngừng khẳng định vai trò, vị trí của mình qua các đóng góp đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhất là phòng chống thiên tai.

GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu khai mạc hội thảo.

Hiện đại hóa công nghệ quan trắc, truyền tin, dự báo KTTV là nhiệm vụ hàng đầu của ngành KTTV hiện nay; đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động chung của ngành. Đồng thời, đánh giá đúng các rủi ro thiên tai sẽ góp phần giảm nhẹ thiệt hại do chủ động phòng chống và phòng chống đúng mức.

“Chính vì vậy, Hội thảo hướng tới hai vấn về lớn của ngành KTTV hiện nay là công nghệ quan trắc hiện đại và rủi ro thiên tai KTTV”, GS.TS Trần Hồng Thái nói.

Đây là diễn đàn để các nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các đơn vị thuộc Tổng cục KTTV, các doanh nghiệp... trao đổi, chia sẻ thông tin khoa học công nghệ và đề xuất các hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quan trắc, truyền tin và dự báo, cảnh báo KTTV, đặc biệt là thiên tai và rủi ro thiên tai KTTV.

Từng bước số hóa

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng và định hướng ứng dụng công nghệ hiện đại vào mạng lưới quan trắc Khí tượng thuỷ văn. Ông Đỗ Huy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc KTTV cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV, hệ thống quan trắc đã tranh thủ của các cơ quan quốc tế; nhờ đó, công nghệ quan trắc KTTV và môi trường đang từng bước hiện đại và đồng bộ. Dù vậy, so với các nước trong khu vực vẫn còn khiêm tốn; đặc biệt là so với các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Theo ông Dương, để có được bản tin dự báo chính xác, việc xử lý số liệu là khâu hết sức quan trọng, vừa đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời, thống nhất và chính xác. Do vậy, các công nghệ của chúng ta cũng đang từng bước chuyển sang số hóa để vừa đảm bảo chính xác khách quan từ khâu kiểm tra chất lượng số liệu QI, QC một cách tự động; bên cạnh đó có sự kiểm soát của con người. Hệ thống này đồng bộ, hiện đại, chúng ta sẽ có được bộ xử lý dữ liệu chuẩn phục vụ cho bài toán đồng hóa số liệu với các số liệu quan trắc từ bề mặt đến các số liệu phi truyền thống như: vệ tinh, rada, định vị sét…

Thời gian tới, với các hiện tượng thời tiết, thiên tai nguy hiểm, việc số hóa các thiết bị là điều tất yếu. Trên cơ sở khuyến cáo của WMO và tiêu chuẩn của các nước trong khu vực, Trung tâm Quan trắc KTTV đang tiếp tục hiện đại hóa hệ thống quan trắc; đặc biệt là phát triển các hệ thống quan trắc ra phía biển, quan trắc các hiện tượng thiên tai cực đoan (xâm nhập mặn, xói lở bờ sông khu vực ĐBSCL…) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai trên phạm vi cả nước.

“Với hệ thống công cụ phát triển đồng bộ từ hệ thống quan trắc, xử lý truyền tin, các mô hình công cụ dự báo hiện đại đang được áp dụng tại Tổng cục KTTV, cập nhật kịp thời với sự trao đổi của quốc tế để đưa ra bản tin dự báo, cảnh báo sớm nhất, chính xác nhất, đầy đủ nhất cho các ngành kinh tế, xã hội”, ông Dương nhấn mạnh.

Quang cảnh hội thảo

Riêng về bão, ông Dương cho hay, để ứng dụng công nghệ cho dự báo bão, Việt Nam ngoài việc phát triển các mô hình dự báo về cường độ, quỹ đạo, hiện chúng ta còn sử dụng các thông tin về vệ tinh, rada thời tiết; đặc biệt là các hệ thống tích hợp thông tin với nhau từ bề mặt đến trên cao, định vị sét… Một lớp thông tin đầy đủ như vậy mới đưa ra được bài toán nhận định về bão và cường độ.

Ngoài ra, các đại biểu dự hội thảo cũng trao đổi về quan trắc vật lý khí quyển phục vụ phòng chống thiên tai thích ứng biến đổi khí hậu; chia sẻ về công nghệ AI tiên tiến của Weathernews Inc. - ứng dụng Deep Learning trong phòng tránh thiên tai; giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ dự báo, cảnh báo thiên tai; giải pháp tích hợp tự động quan trắc môi trường không khí và khí tượng Ariponiter thế hệ mới…

Đến nay, hệ thống thiết bị đo tự động trong mạng lưới quan trắc KTTV đã từng bước được tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, tỉ lệ tự động hóa giữa các bộ môn cũng khác nhau, khí tượng đạt 40,1% (có một số yếu tố như gió, mưa đạt hơn 80%), thủy văn đạt 39,4% và hải văn đạt 70,7%.

Tuyết Chinh - Khánh Ly