Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Địa chất Việt Nam
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:07, 02/10/2020
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại buổi gặp mặt |
Đến dự buổi lễ còn có: Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên; Ông Đỗ Hải Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT; Ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT; Đại diện lãnh đạo các Tổng cục: Khí tượng thủy văn, Môi trường, Biển và Hải đảo Việt Nam và các đơn vị khác thuộc Bộ; Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Tổng hội Địa chất Việt Nam, đại diện Lãnh đạo 16 Hội chuyên ngành thuộc Tổng hội và Văn phòng Tổng hội; Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Tổng cục qua các thời kỳ, Chủ tịch Công đoàn Tổng cục, Bí thư đoàn thanh niên Tổng cục, Thủ trưởng các Cục, Vụ, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Ngành Địa chất liên tục phát triển về năng lực, công nghệ điều tra đánh giá địa chất – khoáng sản
Báo cáo 75 năm phát triển ngành Địa chất Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Cảnh Dương – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thay đổi về tổ chức nhưng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói riêng, ngành Địa chất Việt Nam nói chung luôn phát huy được truyền thống và tiếp tục đạt được nhiều kết quả, thành tựu. Công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản ngày càng được đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đặc biệt đã hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên đánh giá cao những nỗ lực của Tổng cục trong 75 năm qua |
Ngành Địa chất đã liên tục phát triển về năng lực, công nghệ điều tra đánh giá địa chất – khoáng sản và các tài nguyên địa chất khác. Các đơn vị địa chất ngày càng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả trên phạm vi cả nước, phối hợp triển khai các đề án có quy mô lớn với sự điều hành thống nhất, hệ thống từ Tổng cục. Các viện, các trường đại học đã phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Các Tập đoàn: Dầu khí Quốc gia, Than - Khoáng sản Việt Nam đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Các nhà địa chất Việt Nam đã tạo dựng hình ảnh đẹp, tích cực trong khoa học, đoàn kết, phối hợp, dưới mái nhà chung của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động địa chất trên toàn quốc…
Công tác điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đã đạt được những kết quả quan trọng. Hàng ngàn điểm mỏ, mỏ của hơn 60 loại khoáng sản đã được điều tra, đánh giá ở các mức độ khác nhau trên toàn bộ lãnh thổ.
PGS.TS. Đỗ Cảnh Dương – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam báo cáo 75 năm phát triển ngành Địa chất Việt Nam |
“Đến nay, đã có trên 3.000 khu vực đang khai thác gần 50 loại khoáng sản khác nhau trên phạm vi cả nước như: than, khoáng sản kim loại, phi kim loại, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu xi măng, nước khoáng... Giá trị sản lượng ngành công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước; thu ngân sách nhà nước từ thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng khoáng sản của các ngành kinh tế trong nước và một phần để xuất khẩu”, PGS.TS. Đỗ Cảnh Dương nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. Đỗ Cảnh Dương, bên cạnh những thành tựu trong công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất và điều tra đánh giá tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng, các công tác khác như: điều tra địa chất đô thị, địa chất môi trường, tai biến địa chất và di sản địa chất; điều tra địa vật lý; lưu trữ, xuất bản, thông tin và bảo tàng địa chất; hợp tác và thực hiện nghĩa vụ quốc tế… cũng đạt được những kết quả nhất định.
Tổng quan về tiến hóa địa chất Việt Nam và các vùng lân cận
Tại tọa đàm, GS.TS. Trần Văn Trị - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Các địa khu ở Đông Dương có nguồn gốc từ rìa đông Gondwana và hội nhập lại qua các thời đoạn khác nhau trong khoảng Paleozoi sớm đến Mesozoi. Trong khoảng vài chục năm gần đây, kết quả nghiên cứu của các nhà địa chất trong và ngoài nước đã cung cấp bổ sung nhiều tư liệu mới góp phần làm sáng tỏ dần lịch sử phát triển địa chất khu vực này. Đặc biệt là những tài liệu đo vẽ bản đồ địa chất ở các tỷ lệ 1:1.000.000; 1:500.000; 1:200.000; 1:50.000 và các nghiên cứu chuyên đề đã phân chia được các phân vị địa chất chủ yếu ở Việt Nam.
Ngoài ra, các nghiên cứu về tuổi đồng vị, đặc biệt là tuổi U-Pb trong các hạt zircon kết tinh và di sót đã cung cấp thêm các thông tin đáng tin cậy liên quan đến tuổi thành tạo và nguồn nguyên thủy của các phức hệ magma, biến chất ở Việt Nam. Công trình tổng hợp về địa tầng Việt Nam đã chính xác hóa dần ranh giới các phân vị địa tầng và gắn kết với các bể trầm tích.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên quan điểm kiến tạo mảng ở Việt Nam và các vùng kế cận đã nhìn nhận đới khâu Sông Mã là ranh giới gắn kết giữa craton Indosinia và địa khu liên hợp Việt-Trung.
Ngành địa chất luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn
Đánh giá cao những nỗ lực của Tổng cục trong 75 năm qua, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho biết: Ngành địa chất và khoáng sản luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Để phát triển ngành, trong thời gian tới, Tổng cục cần chú trọng đầu tư hơn nữa đến các công cụ, thiết bị hiện đại cũng như con người tiếp cận được các công cụ thiết bị này.
Lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tại buổi gặp mặt, tọa đàm |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên nhấn mạnh: Luật Khoáng sản được triển khai trong những năm qua đã đóng vai trò quan trọng trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, từng bước đưa hoạt động khai thác khoáng sản vào nề nếp, phát huy nguồn lực quan trọng của nhà nước.
“10 năm qua, ngành Địa chất Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Trong đó, phải kể đến việc thực hiện tương đối tốt Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, tập trung đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách, quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Trên cơ sở đó, đến năm 2022 hoàn thành việc xây dựng Luật Khoáng sản (mới) để Chính phủ trình Quốc hội khóa XV ban hành”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết.
Toàn cảnh tọa đàm |
Thứ trưởng chỉ đạo trong thời gian tới, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, rà soát để có định hướng cơ cấu tổ chức, đảm bảo bộ máy tinh gọn hiệu quả. Công việc này cần được thực hiện một cách bài bản, trên cơ sở đoàn kết nhất trí, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các công việc tiếp theo.