Về thăm ngôi nhà của trẻ em mồ côi tại Đà Nẵng

Xã hội - Ngày đăng : 10:28, 02/10/2020

(TN&MT) - Bước vào ngôi nhà chính của Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng (K291 Lê Văn Hiến, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; gọi tắt Trung tâm) chúng tôi bắt gặp gần 20 em nhỏ với đủ độ tuổi đưa ánh mắt ngây thơ trong sáng chào đón chúng tôi. Các em không biết sợ người lạ, thấy chúng tôi là giơ tay đòi bế, chạy theo quấn lấy chân bi bô trò chuyện… khiến những người khách như chúng tôi không khỏi cảm mến.

Những đứa trẻ không nơi nương tựa

Các em đến với Trung tâm mỗi em một hoàn cảnh nhưng hoàn cảnh chung đều là những trẻ không nơi nương tựa, em thì bị bỏ rơi ở bệnh viện, đường sá, trước chùa…, em thì bố mẹ đi tù không ai nuôi dưỡng, em thì biết được cha mẹ nhưng không được cha mẹ đón về. Có nhiều em được các gia đình xin nhận nuôi nhưng vì còn cha mẹ nhưng cha mẹ không từ bỏ quyền làm cha mẹ nên các em không được nhận nuôi, Trung tâm phải tiếp tục nuôi dưỡng.

Được thành lập từ năm 1995 đến nay, Trung tâm đã nhận nuôi 391 trẻ trong đó có 15 bé bị mất vì không vượt qua được bệnh tật với số ngày tuổi quá nhỏ, 21 bé được gia đình tìm lại đón về, 25 bé được các gia đình trong nước nhận nuôi, 304 bé được gia đình nước ngoài tiếp nhận nuôi dưỡng và 26 em đang được Trung tâm chăm sóc.

Các em nhỏ ở  Trung tâm hầu hết còn rất nhỏ, nhiều em bị bệnh nặng

Cô Trần Thị Nhì, Giám đốc Trung tâm cho biết, trong 26 em trung tâm đang nuôi dưỡng này có đến 7 em bị bệnh nan y phải nuôi dưỡng, chăm sóc suốt đời. Em lớn nhất 21 tuổi bị não úng thủy phải nằm một chỗ. Đáng thương nhất bé vừa mới được trung tâm nhận nuôi nhận nuôi bị bỏ rơi ở bệnh viện. Bé sinh ra không có hậu môn lại bị bệnh down. Hàng ngày, các bảo mẫu phải thay túi chứa chất thải cho bé thường xuyên, vì bé còn quá nhỏ nên túi dùng cho bé cũng thuộc loại tốt để không gây kích ứng da. Riêng chi phí một tháng cho bé là khoảng 20 triệu gồm tiền tã bỉm, tiền sữa, tiền mua túi chứa chất thải…

Các em ở đây hầu như đều còn rất nhỏ chủ yếu dưới 3 tuổi, những em lớn hơn thì học lớp 2, lớp 3 được Trung tâm đăng ký và cho đi học, còn những em lớn nhất 10 tuổi trở lên đều bị bệnh tật như bệnh Down, câm, điếc, tật nguyền tay chân… đều cần đến sự chăm sóc hàng ngày của các bảo mẫu.

Cô Trần Thị Nhì 20 năm làm Giám đốc Trung tâm luôn cố gắng để các em có sữa uống, có cơm ăn và được học hành

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế cũng như việc chăm sóc các em nhưng Trung tâm luôn cố gắng từng ngày để các em có điều kiện sống và sự quan tâm, yêu thương đầy đủ nhất.

Hạnh phúc dưới mái nhà chung

Mỗi một người khi có dịp ghé qua Trung tâm, gặp gỡ các em rồi đều không khỏi quyến luyến với các em. Có những khách sau khi đến thăm lại thỉnh thoảng mang gạo, sữa tới cho các em, có người tặng vội cho cô bảo mẫu chiếc khăn. Cũng có du khách nước ngoài ghé thăm rồi chơi đùa với các em hàng giờ, rồi cũng có các bạn sinh viên đến ẵm bồng, đút cho các em ăn…

Tuy nhiên người bên cạnh và chăm sóc cho các em nhiều nhất vẫn là Giám đốc Trung tâm và 7 cô bảo mẫu. Cô Trần Thị Nhì (66 tuổi) làm Giám đốc Trung tâm đã hơn 20 năm nhưng đến giờ vẫn không nỡ rời xa các em để an hưởng tuổi hưu.

Cô tâm sự: “Cái duyên của cô với các cháu chưa hết thì cô chưa bỏ các cháu được, mỗi lần có ý định muốn lui về nghỉ hưu là lại có sự việc xảy ra khiến cô phải bỏ ý định. Cứ biết được thông tin có trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không ai chăm sóc là cô lại không thể nhắm mắt làm ngơ, chỉ muốn đưa các cháu về nuôi nấng dưới mái nhà chung này”.

Các bảo mẫu coi các em như con như cháu xa một ngày là nhớ, thấy các em đau ốm là thương xót trong lòng

Những đứa trẻ đến với trung tâm không tên không tuổi đều được mang họ Trần chính là họ của cô Nhì. Có nhiều em được nhận nuôi lớn lên lại quay về thăm cô, thăm trung tâm, các em coi đây như là nhà, coi cô Nhì như là mẹ của mình lúc nào cũng gần gũi, thân thiết.

Còn đối với các cô bảo mẫu thì việc chăm sóc các em hàng ngày không còn là công việc làm công ăn lương mà các cô xem các em như là con, là cháu ruột thịt của mình. Cô Hồ Thị Mỹ Linh (52 tuổi, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) làm bảo mẫu ở đây từ năm 2002, đôi mắt cô lúc nào cũng thâm quầng vì thiếu ngủ nhưng cô chưa một lần có có ý định nghỉ công việc này.

“Lúc đầu cô đến với Trung tâm vì thèm khát có một đứa con để chăm sóc, ẵm bồng, rồi dần dần cô không thể bỏ được các em dù cô đã có con đang học lớp 5. Thật sự nếu không xem các cháu như ruột thịt, không có tình thương, sự nhẫn nại thì không thể làm công việc này”- cô Linh chia sẻ.

Các cô bảo mẫu làm theo ca 1 ngày 1 đêm rồi nghỉ 1 ngày 1 đêm, có cô ở tận Quảng Nam nhưng vì thương các em nên vẫn lặn lội đánh xe hàng ngày đến chăm sóc các em. Bây giờ các em như người nhà của các cô xa một ngày là nhớ, thấy em nào đau, bỏ bữa là các cô cũng ăn không ngon ngủ không yên.

Cần sự đồng hành của cộng đồng

Những năm vừa qua, để có được nguồn kinh phí lo cho các em, lãnh đạo và cán bộ, giáo viên tại Trung tâm đã nỗ lực bằng nhiều cách tiếp cận và vận động nguồn kinh phí tài trợ từ mọi phía với quyết tâm không để các em đói sữa một ngày nào.

Từ năm 2015 - 2019 Trung tâm đã vận động được tổng kinh phí 5 tỉ 36 triệu đồng bao gồm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho trẻ, máy móc, nhà vệ sinh, nhà vòm phơi áo quần cho trẻ… và hàng năm vận động trên 1 tỷ đồng để duy trì hoạt động của Trung tâm. Tất cả các nguồn kinh phí thu được phải bảo đảm đầy đủ cho việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, cho các cháu đi học trường mẫu giáo và cấp 1, đảm bảo chi lương và các khoản cho người lao động cũng như tích lũy cho những năm sau.

Anh Trần Mạnh Huy, Giám đốc Công ty cổ phần V.B.P.O hỗ trợ cho các em 15 triệu đồng/tháng với thời gian vô thời hạn

May mắn thay, vừa qua Trung tâm đã nhận được một nguồn hỗ trợ từ anh Trần Mạnh Huy Giám đốc công ty cổ phần V.B.P.O. Được biết anh Huy sinh ra là một trẻ em khuyết tật, nhưng với ý chí và sự chạy chữa của gia đình anh đã vượt lên số phận trở thành một người thành đạt với học hàm Phó giáo sư, Tiến sĩ. Đồng cảm với hoàn cảnh các em ở đây và biết được khó khăn của Trung tâm anh Huy quyết định cùng trung tâm san sẻ khó khăn với sự hỗ trợ 15 triệu đồng/tháng và thời gian hỗ trự là vô thời hạn.

Bà Lê Thị Như Hồng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng cho biết, đa số các nguồn hỗ trợ chủ yếu cao nhất là 1 đến 2 năm, chỉ có một vài tổ chức, cá nhân đồng hành cùng Trung tâm từ 2015 đến nay. Cái Trung tâm cần nhất chính là sự đồng hành dài hạn để Trung tâm có nguồn kinh phí đều đặn hàng năm để chăm lo cho các em được tốt hơn.

Phạm Yến