Khổ vì rác "đường ống"

Xã hội - Ngày đăng : 20:10, 01/10/2020

(TN&MT) - Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình trong chung cư là công việc ý nghĩa bởi hạn chế được lượng rác thải ra môi trường. Rác được tập kết tại nhà dân và được đổ trực tiếp xuống đường ống xả rác tại mỗi tầng. Trong chung cư không còn hiện tượng xả rác bừa bãi ra đường. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, hệ thống thu gom, xử lý rác thải lại chưa đáp ứng được nhu cầu, trở thành nỗi ám ảnh cho cư dân.

Nỗi ám ảnh vì mùi rác nồng nặc

Hầu hết các chung cư ở Hà Nội đều có hệ thống thu gom rác bố trí theo hình ống (hố) đứng. Rác ở mỗi tầng được thu gom qua ống này vào nhà gom rác tại tầng 1 hoặc tầng hầm của tòa nhà.

Nhiều người thừa nhận ống đổ rác thông tầng rất thuận tiện cho cư dân sinh sống trong các tòa nhà chung cư. Người dân chỉ cần cho rác vào túi và thả xuống theo đường ống, thời gian đổ rác tùy ý… Thế nhưng, tại một số nơi, rác thải từ họng rác của khu chung cư ngày đêm tỏa mùi hôi lan theo hành lang và xông thẳng vào trục căn hộ gần “hố rác” gây khó chịu cho nhiều gia đình. Chưa kể, khu chứa rác ở hầm gửi xe lúc nào cũng bốc mùi hôi thối khiến người dân mỗi lần xuống gửi hay lấy xe đều phải bịt mũi vì khó chịu.

Nhà thu gom rác thải của tầng hầm của tòa nhà chung cư

Chị Ngọc Hoa (một cư dân ở chung cư 69B Thụy Khuê ở Ba Đình) cho hay: “Dù ở tận trên tầng 20, thế nhưng mùi rác là nỗi ám ảnh lớn của không chỉ gia đình tôi mà của nhiều hộ dân ở cả toà nhà. Rác thải từ họng rác của khu chung cư ngày đêm tỏa mùi hôi lan theo hành lang và xông thẳng vào trục căn hộ gần hố rác, sau đó, mùi hôi lan tỏa ra các căn hộ kề bên.”

“Ống xả rác đã mùi, cửa nhà rác thì không kín nên mùi bay khắp nơi, ảnh hưởng đến cả tầng. Quá khó chịu vì mùi rác hôi thối, cả tầng phải góp tiền làm cửa ngăn mùi phòng rác Tuy nhiên, trong những ngày trời oi nóng hay khi mở cửa phòng đổ rác, mùi hôi vẫn bay ra nồng nặc khắp tầng, thậm chí xộc vào các nhà xung quanh gây khó chịu” – Chị Hương Lan một cư dân ở Chung cư 71 Nguyễn Chí Thanh, Phường Thành Công cho hay.

Cùng với đó, theo chị Nguyễn Ngọc Lan, sống tại chung cư mini trên địa bàn Cầu Giấy cho biết: “Tôi sống ở đây hơn 10 năm nhưng ít thấy được Ban Quản lý chung cư nơi tôi ở xem xét, để ý định kỳ vệ sinh đường ống rác để đảm bảo sức khỏe cư dân. Vi khuẩn tồn dư trong ống rác lâu, khi cư dân mở cửa nhà đổ rác gây khuyếch tán vi khuẩn ra môi trường không khí cũng như hành lang chung, mang mầm bệnh có hại cho sức khỏe về nhà”.

Khốn khổ vì tắc rác

Không chỉ bị ám ảnh bởi mùi rác, nhiều chung cư trên địa bàn Thủ đô còn phải chịu cảnh rác thải ùn ứ, làm đảo lộn cuộc sống của cư dân.

Mới đây, theo phản ánh của người dân sống tại chung cư M3-M4, 91 Nguyễn Chí Thanh trên địa bàn phường Láng Hạ, hộ gia đình nào đã “vô tình” vứt thùng xốp vào hố xả rác gây tình trạng ùn tắc rác từ tầng 1 lên các tầng trên.

Rác thải bị ùn tắc tại sảnh tầng 1 của chung cư

“Tình trạng này diễn ra trong vài ngày mới được phát hiện khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc bao phủ khắp nơi. Nhất là gặp khi thời tiết thay đổi, mùi rác thải càng trở nên đặc quánh, bao phủ khắp chung cư dưới đến mức quá sức chịu đựng của con người.” – Anh Thành Nam, cư dân sống tại chung cư M3-M4 chia sẻ.

Hộ gia đình nào đã “vô tình” vứt thùng xốp vào hố xả rác gây tình trạng ùn tắc rác

Chưa có lối đi riêng

Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ở các chung cư tại Hà Nội, người dân vẫn chưa thực hiện việc nghiêm túc việc phân loại rác ngay tại nguồn mà thường bỏ tất cả rác vào chung với nhau và xả thẳng xuống đường ống rác. Trong đó, có các loại rác vô cơ như pin, ắc quy, bao nilon, chai lọ nhựa, hộp xốp, thủy tinh... vẫn không được xử lý riêng. Lượng rác này sẽ mất rất nhiều năm mới có thể phân hủy hoàn toàn, đi kèm theo đó là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường...

Chị Lê Thị Huyền, công nhân thu gom rác thải tại phường Thành Công, quận Đống Đa cho biết, việc phân loại rác tại nguồn tại các chung cư hầu như chưa thực hiện triệt để. Tất cả rác đều được để trong túi nilon. Quá trình đi thu gom, chị em công nhân tranh thủ nhặt những chai nhựa, sắt thép… để bán đồng nát, còn lại đều thu gom lên xe chở rác.

Nhiều người dân cho biết, cả khu chung cư chỉ có một thùng rác duy nhất nên tất cả rác đều bỏ vào đó, nếu chúng tôi có phân loại tại nhà thì nhân viên vệ sinh cũng để lẫn vào nhau.

Trong khi việc xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường ở chung cư là nhu cầu bức thiết của người dân bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, sức khoẻ, mĩ quan đô thị. Thế nhưng, cho đến nay việc thu gom và xử lý rác ở nhiều toà chung cư vẫn là bài toán bỏ ngỏ.

Thủy Nguyễn