Điện Biên: Cần nâng cao hiệu quả các dự án trồng rừng thay thế

Môi trường - Ngày đăng : 20:09, 01/10/2020

(TN&MT) - Theo quy định, các công trình, dự án có liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác thì chủ đầu tư phải có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế. Ðây là điều kiện bắt buộc nhằm bù đắp lại diện tích rừng đã mất do chuyển đổi. Song trên thực tế, nhiều dự án trồng rừng thay thế chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 28 công trình, dự án thuộc đối tượng phải chuyển đổi mục đích rừng, chủ yếu là các dự án, công trình thuộc lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, tái định cư... Ðể triển khai các công trình, dự án này, cơ quan chức năng đã cho phép chuyển đổi 513,508ha đất lâm nghiệp có rừng; đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế.

Trong tổng số 28 dự án thì có 27 dự án chủ đầu tư lựa chọn hình thức nộp tiền trồng rừng thay thế với tổng diện tích 500,308ha và 1 dự án chủ đầu tư tự trồng rừng thay thế với diện tích 13,2ha (Thủy điện Nậm Mức, huyện Tuần Giáo). Theo đó, tổng số tiền trồng rừng thay thế đối với 27 dự án trên là hơn 38,371 tỷ đồng, đến nay 100% đơn vị đã nộp tiền; tỷ lệ giải ngân đạt hơn 29,521 tỷ đồng. Từ số tiền này, hàng năm UBND tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu trồng rừng cho các đơn vị, địa phương. Ðến nay, các đơn vị đã trồng được 491,56ha/500,308ha; hiện còn gần 8,75ha chưa thực hiện trồng thay thế.

Người dân xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông chăm sóc diện tích rừng trồng thay thế.

Theo bà Ðặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác bắt buộc phải trồng rừng thay thế với diện tích tối thiểu bằng diện tích rừng đã thực hiện chuyển mục đích. Mặc dù việc nộp tiền trồng rừng thay thế đã được các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, nhưng qua kiểm tra, xác định tiêu chí thành rừng đối với các diện tích hết giai đoạn đầu tư chăm sóc tại một số dự án trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh thì chất lượng chưa đạt yêu cầu.

Tỷ lệ cây chết còn khá cao, trong khi đó việc trồng dặm để đảm bảo mật độ chưa kịp thời, một số loại cây khả năng sinh trưởng yếu, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; chưa chú trọng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, quy trình chăm sóc chưa hợp lý; công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng chưa hiệu quả… Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, đặc biệt là chưa tập trung, quyết liệt thực hiện các biện pháp khắc phục đối với những diện tích rừng không đảm bảo chất lượng; chưa xác định rõ trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định.

Người dân xã Mường Pồn, huyện Ðiện Biên trồng rừng năm 2020.

Theo bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kết quả kiểm tra cho thấy 446,5ha rừng trồng thay thế từ năm 2016 đến nay đã hết giai đoạn đầu tư chăm sóc nhưng chỉ 237,8ha (chiếm 53,3% diện tích) đạt tiêu chí thành rừng, chất lượng rừng trồng chưa cao. Ngoại trừ diện tích rừng trồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên và Mường Ảng sinh trưởng, phát triển tốt thì đa số diện tích rừng trồng của các đơn vị còn lại mật độ cây trồng không đảm bảo quy định, cây sinh trưởng kém, tỷ lệ thành rừng thấp.

Ðiển hình là diện tích trồng rừng thay thế của các đơn vị: Huyện Tủa Chùa; Hợp tác xã Hồng Phước; Ban Quản lý rừng Mường Phăng… Kiểm tra 171ha trên địa bàn tỉnh thì có đến 40ha trồng rừng nhưng không thành rừng. Trong đó, tại huyện Tủa Chùa qua kiểm tra 31,81ha rừng trồng thay thế từ năm 2016 đến nay thì có 13,49ha không đủ tiêu chí thành rừng (xã Sín Chải có 0,37ha; Xá Nhè 1,52ha; Mường Báng 4,60ha; Tủa Thàng 7ha). Tương tự, Ban Quản lý rừng Mường Phăng được giao trồng 1,8ha rừng thay thế, nhưng có đến 1,03ha không thành rừng. Huyện Nậm Pồ được giao thực hiện 22ha, nhưng 11,74ha trồng không thành rừng…

Nguyên nhân chủ yếu được các ngành chức năng tỉnh Điện Biên chỉ ra là, do mật độ cây trồng không đảm bảo; tỷ lệ cây sống bình quân không đạt chỉ tiêu; độ tàn che (mức độ che kín của tán cây rừng theo phương thẳng đứng trên một đơn vị diện tích rừng), đường kính gốc bình quân, chiều cao vút ngọn cây bình quân không đạt yêu cầu. Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12509-1:2018 về rừng trồng - rừng sau thời gian kiến thiết cơ bản quy định, độ tàn che phải lớn hơn hoặc bằng 0,5 mới đủ điều kiện công nhận đạt tiêu chí thành rừng, nhưng tại xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa), độ tàn che mới đạt từ 0,05 - 0,20; hay theo tiêu chuẩn chiều cao vút ngọn bình quân phải lớn hơn hoặc bằng 5m, nhưng diện tích rừng trồng tại Tủa Thàng chiều cao vút ngọn chỉ đạt từ 2,6m - 3,3m…

Người dân huyện Mường Ảng (Điện Biên) tham gia trồng rừng thay thế.

Không chỉ chất lượng rừng trồng thay thế kém hiệu quả, mà việc thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng thay thế cũng không đạt chỉ tiêu giao. Ðơn cử, năm 2020 UBND tỉnh giao chỉ tiêu 80ha rừng trồng thay thế, đến nay đã hết mùa trồng rừng nhưng mới chỉ thực hiện được gần 62ha (đạt 77% kế hoạch). Theo lý giải của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện quy định Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156/2018/NÐ-CP của Chính phủ, từ cuối năm 2019, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ 23 dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng. Tuy nhiên, đến ngày 4/8/2020 Thủ tướng Chính phủ mới chấp thuận cho tỉnh được chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện 6 dự án, với diện tích 50,49ha rừng tự nhiên. Do vậy, đến nay các chủ đầu tư đã đủ điều kiện nộp tiền trồng rừng thay thế, song thời điểm này đã hết thời vụ trồng rừng nên Sở không tham mưu phân bổ vốn để thực hiện mà chuyển sang năm 2021.

Ðể nâng cao hiệu quả công tác trồng rừng thay thế, UBND tỉnh Điện Biên đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư các dự án bảo vệ, phát triển rừng cấp huyện và các chủ đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế nghiêm túc thực hiện các biện pháp khắc phục diện tích rừng trồng hết giai đoạn đầu tư chăm sóc nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng; kiên quyết đề nghị Kho bạc Nhà nước không thanh toán chi phí trồng, chăm sóc rừng đối với các diện tích rừng trồng không đảm bảo chất lượng.

Ðối với chủ đầu tư các dự án bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, đơn vị trồng rừng thay thế, đặc biệt đối với các đơn vị, địa phương trồng rừng không đạt cần nghiêm túc tổ chức các biện pháp khắc phục những diện tích không đảm bảo; tự thỏa thuận, thống nhất với các hộ nhận khoán để bố trí kinh phí thực hiện trồng lại hoặc trồng bổ sung đối với diện tích rừng trồng chưa đạt. Trường hợp không tổ chức khắc phục được phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại kinh phí trồng rừng cho Nhà nước nếu nguyên nhân được xác định không phải do yếu tố bất khả kháng. Trên cơ sở đó, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện khắc phục các diện tích rừng trồng hết giai đoạn đầu tư hoặc hết giai đoạn đầu tư chăm sóc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 9/2020. Ðồng thời, xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để diện tích rừng trồng đã hết thời gian đầu tư chăm sóc nhưng không đảm bảo chất lượng...

Trần Sơn