Ngành Địa chất Việt Nam 75 năm xây dựng và phát triển

Khoáng sản - Ngày đăng : 14:35, 01/10/2020

(TN&MT) - 75 năm xây dựng và phát triển ngành Địa chất Việt Nam là dấu mốc để đánh giá lại những thành tích quan trọng của Ngành đối với sự phát triển của đất nước với biết bao công sức, hy sinh của nhiều thế hệ các nhà địa chất. Đây cũng là cơ hội để Ngành Địa chất bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những chặng đường khó khăn, thuận lợi của ngành.

Trải qua 75 năm, ngành Địa chất đã liên tục phát triển, hoàn thiện về bộ máy tổ chức, năng lực, công nghệ điều tra đánh giá địa chất - khoáng sản và các tài nguyên địa chất khác. Các đơn vị địa chất ngày càng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả trên phạm vi cả nước, phối hợp triển khai các đề án có quy mô lớn với sự điều hành thống nhất từ Tổng cục. Các Viện, các trường đại học đã phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Các Tập đoàn: Dầu khí Quốc gia, Than - Khoáng sản Việt Nam đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Các nhà địa chất Việt Nam đã tạo nên hình ảnh đẹp, tích cực và trung thực trong khoa học, đoàn kết, phối hợp với nhau, dưới mái nhà chung của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động địa chất trên toàn quốc.

PGS.TS. Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

Nhiều thành tựu quan trọng

Đến nay, ngành Địa chất Việt Nam đã hoàn thành hệ thống bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:1.000.000, 1:500.000 trên toàn lãnh thổ. Loạt bản đồ chuyên sâu cùng tỷ lệ cũng được thành lập, bao gồm: địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa mạo, vỏ phong hóa, đệ tứ, kiến tạo, sinh khoáng, các trường địa vật lý, trọng sa, địa hóa và phông bức xạ. Cụm công trình bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000, các bản đồ địa chất, khoáng sản, địa mạo, vỏ phong hóa tham gia vào bộ Atlas Quốc gia Việt Nam đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005.

Bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 đã được thành lập trên toàn lãnh thổ và đã được xuất bản để sử dụng rộng rãi cho nhiều ngành kinh tế. Một phần lãnh hải đang được điều tra để thành lập hệ thống bản đồ địa chất các tỷ lệ. Tiếp thu phương pháp luận khoa học địa chất hiện đại, kết hợp với tổ hợp trang thiết bị hàng đầu về địa vật lý, địa hóa, viễn thám, phân tích thí nghiệm, đến nay 23.860 km2 đã hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 (đạt gần 70% diện tích phần đất liền). Đây là loại bản đồ địa chất khoáng sản cơ bản, ngoài cung cấp những thông tin quan trọng về khoáng sản còn là cơ sở cho quy hoạch các ngành kinh tế - xã hội khác cho các vùng và địa phương.

Hầu hết các cấu trúc địa chất đã được nghiên cứu, làm rõ lịch sử hình thành, phát triển các quá trình địa chất và đặc điểm khoáng sản trên lãnh thổ nước ta. Công tác nghiên cứu nguồn gốc và quy luật phân bố khoáng sản đạt được nhiều thành quả quan trọng. Kết quả nghiên cứu, điều tra cơ bản này đã đưa Việt Nam trở thành nước có mức độ điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản đạt mức cao trong khu vực Đông Nam Á. Qua công tác này, đã hình thành đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật đủ năng lực giải quyết được những vấn đề khoa học, thực tiễn; nhiều phát hiện mới về nguồn gốc khoáng sản đã làm thay đổi nhận thức về tiềm năng của một số khoáng sản chiến lược ở Việt Nam.

Vùng biển Việt Nam đã hoàn thành điều tra địa chất khoáng sản ven bờ (0 - 30 m nước) ở các tỷ lệ 1:500.000, 1:100.000 và 1:50.000 tại một số vùng biển trọng điểm. Hiện nay, đang tiếp tục điều tra vùng biển Việt Nam đến 100 m nước. Kết quả là đã lập nên hệ thống bản đồ có nội dung đồng bộ, phong phú và tin cậy về cấu trúc địa chất, trầm tích Đệ tứ, triển vọng sa khoáng, môi trường đới biển ven bờ Việt Nam. Đã khoanh định các diện tích có triển vọng phát hiện khoáng sản và cấu trúc có khả năng tích tụ sa khoáng. Hiện trạng môi trường địa chất biển nông ven bờ, các yếu tố địa chất ảnh hưởng đến độ bền vững của bờ biển, quá trình phát sinh, hình thành và phát triển đường bờ biển đã được điều tra và nghiên cứu. Triển khai đề án bay đo từ - trọng lực tỷ lệ 1:250.000 trên biển là cơ sở quan trọng để thành lập bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 ở các vùng biển Việt Nam.

Bên cạnh ghi nhận những kết quả nổi bật trong nghiên cứu và điều tra cơ bản địa chất, ngành Địa chất Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong: Công tác đánh giá tài nguyên khoáng sản; công tác điều tra địa chất đô thị, địa chất môi trường, tai biến địa chất và di sản địa chất; công tác điều tra địa vật lý; công tác lưu trữ, xuất bản, thông tin và bảo tàng địa chất; hợp tác và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thay đổi về tổ chức nhưng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói riêng, ngành Địa chất Việt Nam nói chung vẫn luôn phát huy được truyền thống và tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới. Có thể thấy, công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản ngày càng được đẩy mạnh. Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, đặc biệt đã hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng.

Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản đã tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững. Ảnh: Hoàng Minh

Đưa ngành Địa chất phát triển cùng sự phồn vinh đất nước

Trước yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn phát triển đất nước, ngành Địa chất Việt Nam cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị để xây dựng, trình ban hành Nghị quyết mới nhằm định hướng chiến lược khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản, trong đó tập trung đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách, quy định của Luật. Trên cơ sở đó, đến năm 2022, hoàn thành việc xây dựng Luật Khoáng sản (mới) để Chính phủ trình Quốc hội khóa XV ban hành.

Xây dựng để trình ban hành Chiến lược khoáng sản làm cơ sở cho việc hoàn thiện các Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản nhằm bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản cho trước mắt và lâu dài. Quản lý và tổ chức thực hiện Chiến lược, Quy hoạch một cách bài bản, hiệu quả. Thành lập hệ thống cơ sở dữ liệu tin cậy và đồng bộ về các tài nguyên khoáng sản, cấu trúc địa chất, môi trường địa chất, tai biến địa chất; làm cơ sở để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các vùng, các đô thị, các cụm dân cư, các công trình xây dựng lớn một cách bền vững hiệu quả.

Tiếp tục xây dựng, đổi mới ngành Địa chất có năng lực chuyên môn và công nghệ hiện đại, nhằm điều tra, đánh giá, thăm dò các loại tài nguyên trong lòng đất, lòng biển đạt hiệu quả, chất lượng cao; từng bước điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu trong lòng đất đến 500 - 2.000 m; đánh giá tài nguyên khoáng sản biển.

Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao cần được đẩy mạnh bằng hình thức đào tạo và đào tạo lại, hợp tác đào tạo với nước ngoài trên cơ sở đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có. Xây dựng chính sách hợp lý nhằm thu hút lực lượng lao động trẻ, bồi dưỡng tạo một đội ngũ cán bộ kế cận có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương, đa phương nhằm tranh thủ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, áp dụng sáng tạo vào lĩnh vực điều tra, đánh giá, thăm dò và chế biến khoáng sản cũng như công tác quản lý hoạt động khoáng sản.

Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, Tổng cục đã chủ trì xây dựng để Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Nghị định; 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gần 50 Thông tư, Thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện.

PGS.TS Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoán