VQG Phong Nha – Kẻ Bàng: Hỗ trợ cộng đồng vùng đệm phát triển vì mục tiêu bền vững

Môi trường - Ngày đăng : 14:00, 01/10/2020

(TN&MT) - Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ di sản, những năm qua, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng vùng đệm phát triển, hỗ trợ sinh kế nhằm giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân vì mục tiêu lâu dài bền vững.

Với 123.300 ha rừng đặc dụng và hơn 3.000 ha rừng phòng hộ, diện tích tự nhiên của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tiếp giáp với 147 thôn, bản của 13 xã, thị trấn thuộc các huyện Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh với dân số hơn 65.000 người, trong đó, có hơn 11.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số như: Vân Kiều, Chứt, Rục,... Phần lớn, người dân sống trong khu vực vùng đệm có mức thu nhập thấp, nhiều thôn, bản hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều thuộc diện hộ nghèo nên áp lực đặt lên tài nguyên Vườn quốc gia là rất lớn.

BQL Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hỗ trợ bò giống cho người dân.

Do vậy nhằm hỗ trợ người dân vùng đệm phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã thực hiện nhiều giải pháp với mục tiêu lâu dài, bền vững. Từ năm 2016 đến nay, với nguồn vốn của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Dự án bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng Phong Nha – Kẻ Bàng đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các công trình phục vụ đời sống dân sinh, các thiết chế văn hóa cho 94 lượt thôn, bản với tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng. Một thôn, bản được hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng/ năm. Mỗi hạng mục hỗ trợ đều được khảo sát, đánh giá để phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu và điều kiện thực tế của từng thôn, bản đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, gắn công tác hỗ trợ với việc thực hiện các cam kết về quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ di sản.

Nhiều chính sách hỗ trợ người dân sống trong vùng đệm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

“Những năm qua Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Vừa qua, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng thực hiện hỗ trợ một con bò đực giống lai Brahman, trị giá khoảng 35 triệu đồng. Con bò được bà con trong bản thống nhất giao cho gia đình trưởng bản đứng ra chăm sóc. Vì đây là con bò lai đầu tiên và duy nhất được đưa về nuôi ở bản Ón nên bà con hi vọng từ con bò này sẽ cho phối giống với đàn bò vàng để cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò của địa phương”, ông Trần Xuân Tư - Trưởng bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa phấn khởi chia sẻ.

Ngoài ra, đầu năm 2020, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thực hiện xây dựng công trình nước sạch tại Bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Công trình này không chỉ giúp 51 hộ dân, với 237 nhân khẩu trong bản chủ động được nguồn nước trong mùa khô hạn mà chất lượng nước cũng được đảm bảo, góp phần bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho bà con.

Là thành viên trong tổ bảo vệ rừng cộng đồng được chi trả tiền hỗ trợ, anh Đinh Thun, Bản Khe Rung, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch vui mừng: "Tháng nào cũng đi tuần hết. Có tiền tích góp được là đem mua gà, mua lợn về chăn nuôi. Ngươi dân ở đây ai cũng vui sướng cả".

Giao khoán rừng cho người dân chăm sóc, bảo vệ là một trong những giải pháp quan trọng nhất theo mục tiêu bền vững.

Một trong những giải pháp mang tính bền vững đáng chú ý là công tác giao khoán, bảo vệ rừng. Hiện nay, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đang thực hiện giao khoán, bảo vệ 65.000 ha rừng đặc dụng và 1.400 ha rừng phòng hộ cho 33 thôn, bản trên địa bàn vùng đệm. Từ năm 2016 đến nay đã chi trả số tiền gần 37,5 tỷ đồng cho thành viên các tổ bảo vệ rừng thôn, bản. Thông qua số tiền được chi trả hàng năm, đã giải quyết được nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, làm giảm áp lực lên tài nguyên rừng. Đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng vùng đệm trong việc chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ các giá trị đặc trưng của di sản thiên nhiên thế giới.

Chi trả tiền cho người dân nằm trong tổ bảo vệ rừng.

Trao đổi với PV, ông Phạm Hồng Thái - Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết thêm: “Những giải pháp lâu dài mà Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã và đang thực hiện trong việc hỗ trợ cộng đồng vùng đệm không chỉ thể hiện tinh thần, trách nhiệm trong công tác quản lý, rừng, bảo vệ di sản, mà còn tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự chủ động vươn lên phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, giải quyết được nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần làm giảm áp lực lên tài nguyên vườn quốc gia. Đồng thời, xây dựng được ý thức, trách nhiệm của cả cộng động trong việc chung tay bảo vệ những giá trị của di sản thiên nhiên thế giới một cách lâu dài và bền vững”.

Hồng Thiệu