Khí tượng thủy văn Việt Nam – 75 năm vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Hành động trên tuyến đầu cảnh báo thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:14, 01/10/2020
Nhân dịp này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn |
PV: Ngành KTTV đã phát triển mạnh mẽ qua chặng đường 75 năm hình thành và phát triển. Trong hành trình đó, ngành gặp phải những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
GS.TS Trần Hồng Thái:
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành KTTV đã không ngừng vươn lên đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, phục vụ ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mặc dù vậy, ngành KTTV gặp khó khi thực hiện công tác điều tra cơ bản, dự báo, thông tin tư liệu KTTV, quan trắc môi trường không khí và môi trường nước trong điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới kỹ thuật chưa đồng bộ, mạng lưới trạm quan trắc còn thưa nên nguồn số liệu đầu vào phục vụ công tác dự báo vẫn còn khó khăn. Trong khi đó, mô hình dự báo chuyên dùng cho Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện do đó việc cải tiến và đa dạng hóa bản tin, chuẩn hóa mẫu bản tin đã được thực hiện nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng.
Hơn nữa, nhiều vấn đề khoa học công nghệ về dự báo trong nước và trên thế giới chưa thực hiện được như: Dự báo định lượng mưa lớn trong trường hợp cực đoan phạm vi hẹp; cảnh báo lũ quét, sạt lở đất mới chỉ đạt được ở mức cảnh báo có nguy cơ trên một khu vực rộng, chưa cảnh báo được ở một vị trí cụ thể; việc thu nhận số liệu hồ chứa từ các chủ hồ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thủy văn vùng hạ du hồ còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV.
PV: Trước những thách thức đó, các kế hoạch, chiến lược thực hiện qua các chặng đường phát triển của ngành là gì, thưa ông?
GS.TS Trần Hồng Thái:
Không chùn bước trước khó khăn, ngành KTTV đã Ban hành Khẩu hiệu hành động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành KTTV trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ý nghĩa của Khẩu hiệu là Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy - Kịp thời nhằm thể hiện cam kết của ngành KTTV trước yêu cầu của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội và từng người dân về việc tăng cường quản lý Nhà nước hoạt động KTTV, phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và phòng, chống thiên tai.
Thống nhất: Hoạt động KTTV được quản lý tập trung, đồng bộ trong phạm vi cả nước; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KTTV thống nhất đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Chính xác: Công tác quan trắc trên mạng lưới trạm KTTV quốc gia do Tổng cục KTTV xây dựng, quản lý và khai thác phải bảo đảm tính chính xác theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Liên tục: Mạng lưới thu, nhận và truyền tin của ngành KTTV phải được thực hiện liên tục, có tốc độ cao, diện bao phủ phù hợp, đáp ứng yêu cầu của công tác trong mọi tình huống.
Tin cậy: Nội dung bản tin dự báo, cảnh báo KTTV do Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành phải bảo đảm đủ độ tin cậy đối với từng loại hình thiên tai, thời tiết, thủy văn, hải văn.
Kịp thời: Thông tin KTTV phải được cập nhật, phản ánh, cung cấp theo sát diễn biến của hiện tượng khí tượng thủy văn và phục vụ kịp thời, phù hợp nhu cầu người sử dụng.
Toàn thể đơn vị và các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục KTTV đã và đang tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, bám sát các mục tiêu, nội dung ý nghĩa Khẩu hiệu hành động của Ngành.
Vườn Khí tượng trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Việt Hùng |
PV: Thưa ông, những chiến lược hành động đã tạo ra bước đột phá như thế nào trong toàn ngành?
GS.TS Trần Hồng Thái:
Với những chiến lược, kế hoạch hành động quyết liệt, bám sát thực tiễn đã từng bước tạo ra những đột phá trong toàn ngành. Trong đó, mạng lưới quan trắc được mở rộng, đổi mới công nghệ dự báo KTTV, làm chủ công nghệ phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển bền vững. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đã thực sự là cơ sở dữ liệu “đầu vào” cho hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.
Cụ thể, từ mạng lưới trạm KTTV thưa thớt, xuống cấp, đến nay, đã có 579 trạm, điểm đo, trong đó, có 233 trạm thủy văn, 176 trạm khí tượng, 17 trạm Hải văn, 155 trạm/điểm đo môi trường không khí và nước, hàng trăm điểm đo mưa nhân dân; mạng lưới trạm Khí tượng cao không với 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 3 trạm đo tổng lượng ôzôn - Bức xạ cực tím và 7 trạm Rada thời tiết trải khắp mọi miền đất nước từ vùng biên giới, núi cao đến hải đảo xa.
Cùng với đó, chất lượng các bản tin dự báo không ngừng được nâng cao, đã dự báo tương đối sát, kịp thời các cơn bão và các đợt áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; cảnh báo trước 48 - 72 giờ các đợt không khí lạnh, nhiều đợt rét đậm, rét hại; dự báo sát mực nước đỉnh lũ, mực nước kiệt trên các sông trong cả nước và xâm nhập mặn các cửa sông vùng ven biển…
Ngành đã tham mưu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chiến lược, đề án, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng. Đặc biệt, ngày 23/11/2015, đã được Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Khí tượng thủy văn, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016. Đến nay, ngành KTTV đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện quản lý Nhà nước về công tác KTTV.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học có bước phát triển mạnh. Đáng chú ý là kết quả nghiên cứu dự báo bằng phương pháp số trị và ra các bản tin dự báo và thông báo về dự báo khí hậu, dự báo thời tiết, dự báo thủy văn và môi trường, cụ thể như: mô hình số trị dự báo thời tiết được áp dụng để dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và dự báo thời tiết hàng ngày; xây dựng quy trình dự báo và vận hành công trình phòng chống lũ trong trường hợp khẩn cấp…
PV: Ông có thể cho biết, trong chặng đường tiếp theo, ngành đặt mục tiêu gì để tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước?
GS.TS Trần Hồng Thái:
Trong giai đoạn sắp tới, ngành KTTV sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển ngành đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật KTTV trong phạm vi cả nước, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất,… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai được dự báo là ngày càng phức tạp, khó lường.
Với định hướng đó, ngành KTTV lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời, ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Đồng thời, tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc quốc gia, trong đó, tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ và chính xác các số liệu, đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo KTTV, phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, khai thác tài nguyên và môi trường.
Và để thực hiện các mục tiêu trên, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành KTTV đặt mục tiêu đưa ra những chính sách kêu gọi sự tham gia của khối kinh tế tư nhân trong công tác khí tượng thủy văn. Từ đó, tạo ra thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn, làm sao tiến tới mục tiêu quan trọng là xã hội hóa ngành KTTV.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phù Liễn về trực thuộc Bộ Giao thông Công chính với tên gọi Sở Khí tượng, với ý nghĩa lịch sử đã được xác định ngày 17/12/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1821/QĐ-TTg lấy ngày 03 tháng 10 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam”.