TP.HCM xử lý hơn 10.000 trường hợp vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 11:08, 01/10/2020
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Thực hiện Chỉ thị 19, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch, UBND TP.HCM đã chỉ đạo tăng cường công tác xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường nơi công cộng góp phần chỉnh đốn, hạn chế tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng, mỹ quan đô thị.
Trong 8 tháng năm 2020, UBND 24 quận, huyện tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường. Theo đó, toàn Thành phố đã nhắc nhở 4.088 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 4.003 trường hợp, số tiền xử phạt khoảng 7,4 tỷ đồng. Kết quả triển khai từ khi thực hiện Chỉ thị 19 đến nay, TP.HCM đã nhắc nhở 6.832 trường hợp, xử phạt đối với 10.848 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tổng số tiền xử phạt khoảng 19,7 tỷ đồng.
TP.HCM mạnh tay xử lý vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường |
Bên cạnh đó, 24/24 quận, huyện duy trì triển khai phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường và trật tự đô thị. Theo đó, toàn Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 8.785/8.849 ý kiến phản ánh của người dân (đạt tỷ lệ 99,3%), trong đó, gồm 3.165/3.186 ý kiến liên quan lĩnh vực môi trường và 5.620/5.663 ý kiến liên quan đến trật tự đô thị. Như vậy, từ khi triển khai Chỉ thị 19 đến nay, thành phố đã tiếp nhận và xử lý được 20.739/20.876 ý kiến phản ánh, tỷ lệ giải quyết đạt 99,3%.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 19 và Kế hoạch xây dựng “Thành phố xanh - thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025”, UBND TP.HCM vừa tiếp tục có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận huyện tăng cường các biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường. Trong đó, cần nhân rộng việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ Camera, phương tiện ghi hình để làm cơ sở xử phạt
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu UBND quận, huyện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ cấp quận, huyện đến phường, xã trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Quy định trách nhiệm cụ thể đối với phường, xã, thị trấn, khu phố trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng tại địa phương làm cơ sở đánh giá, chấm điểm thi đua; khen thưởng, biểu dương và nhân rộng các điển hình cá nhân, tập thể. Chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện; Chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để phát sinh ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý.
UBND thành phố yêu cầu các địa phương cần triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh thông tin phản ánh của người dân qua tin nhắn, hình ảnh, thư điện tử và điện thoại liên quan đến tình trạng vi phạm vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn. Bố trí lực lượng chức năng của quận, huyện triển khai thực hiện các biện pháp khả thi để ngăn chặn các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhân dân.
Đồng thời, rà soát, xác định các vị trí, khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ vi phạm (như các tuyến đường chính, chợ, trường học, bệnh viện, dạ cầu, hành lang cầu, khu đất trống, các công trình xây dựng chưa thi công…), để lắp đặt bổ sung camera, thiết bị ghi hình. Ngoài hệ thống Camera giám sát sẵn có do cơ quan địa phương quản lý, cần thiết tận dụng thêm nguồn camera từ các hộ gia đình trong khu vực nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.
Đối với những hình ảnh vi phạm chưa đủ cơ sở xử phạt theo quy định tại Nghị định 165/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, các đơn vị cần tiến hành nhắc nhở đối tượng vi phạm bằng các hình thức như nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố, khu phố… Trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần, chỉ đạo người có thẩm quyền xử phạt phối hợp với lực lượng Công an sử dụng các chứng cứ đã thu thập và các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh cho đối tượng hiểu, đồng ý với hành vi vi phạm, làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với Công an các quận, huyện hướng dẫn, hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh công cộng để xác minh nhân thân lai lịch, hành vi của đối tượng vi phạm thông qua hình ảnh trích xuất từ Camera để tham mưu, đề xuất UBND các cấp xử phạt theo thẩm quyền.
Kết quả xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường theo Chỉ thị 19: Nhắc nhở 6.832 trường hợp vi phạm; xử phạt 10.848 trường hợp vi phạm; tổng số tiền xử phạt: 19,7 tỷ đồng; lắp đặt mới 31.320 Camera giám sát vệ sinh môi trường.