Một số văn bản bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2020

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:05, 30/09/2020

(TN&MT) - Từ tháng 10/2020 một số văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến việc miễn thuế đất đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ biên giới quốc gia; thăm dò và khai thác dầu khí… bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Ngày 21/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2020/NĐ-CP về việc quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Theo đó, Trung tâm được thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các Khu công nghệ cao và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê. Đối với cơ sở Trung tâm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được miễn tiền sử dụng hạ tầng cho diện tích đất được thuê nằm trong khu vực phải trả tiền sử dụng hạ tầng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật do Nhà nước đầu tư; Miễn toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; Ngân sách Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí san lấp mặt bằng của dự án đầu tư cơ sở Trung tâm.

Bên cạnh đó, Trung tâm được miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hàng hóa nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ theo quy định Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Ngoài ra, các nhân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm khi đăng ký thành lập doanh nghiệp được cấp đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ; được ưu tiên thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp trước thời hạn khi có yêu cầu.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/10/2020.

Nghiêm cấm hoạt động trái phép trong khu vực biên giới đất liền

Đây là nội dung mới được Chính phủ ban hành tại Nghị định 96/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia ngày 24/8/2020.

Cụ thể, phạt tiền từ 02-03 triệu đồng với những hành vi như: Dẫn dắt, tạo điều kiện cho người, phương tiện vào hoạt động trái phép trong khu vực biên giới đất liền; Đi lại quá phạm vi quy định trong khu vực biên giới đất liền, trừ trường hợp là cư dân biên giới; Quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ cảnh vật, ghi hình trái phép bằng các thiết bị điện tử, thu phát vô tuyến điện trong vùng cấm.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 03-05 triệu đồng nếu thực hiện một trong những hành vi sau: Cơ quan, tổ chức đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới chưa được cấp phép hoặc không được cấp phép của cơ quan Công an có thẩm quyền; Cư dân biên giới qua biên giới làm ruộng, rẫy; Sử dụng giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới của người khác để qua lại biên giới; Cho người khác sử dụng giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh biên giới để qua lại biên giới.

Đặc biệt, phạt từ 20-30 triệu đồng, trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vận chuyển thi hài, hài cốt, xác động vật trái phép qua biên giới.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/10/2020.

Ảnh minh họa

Thăm dò dầu khí trái phép có thể bị phạt đến 2 tỷ đồng

Ngày 26/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Theo đó, hành vi vi phạm quy định về hoạt động thăm dò dầu khí sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể:

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi không nộp tài liệu và mẫu vật thu được trong quá trình khoan cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi khoan ra ngoài diện tích ghi trong hợp đồng dầu khí khi cơ quan có thẩm quyền chưa cho phép mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 100.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với hành vi tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí khi hợp đồng dầu khí hoặc chương trình công tác và ngân sách hàng năm chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 100.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với hành vi tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí tại khu vực nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố cấm hoặc tạm thời cấm mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 100.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 1.800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm vùng thuộc đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò dầu khí mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp dưới 100.000.000 đồng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 11/10/2020.

Kiểm tra thực tế 20% lô hàng gỗ trước khi xuất khẩu

Ngày 01/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP về việc quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Theo đó, gỗ thuộc loại rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam thuộc một trong các tiêu chí sau: gỗ thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Gỗ thuộc Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, nhóm IIA; Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định; gỗ lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam; gỗ có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng tại quốc gia khai thác hoặc buôn bán trái phép được quy định trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Ngoài ra, lô hàng gỗ xuất khẩu của chủ gỗ không phải là doanh nghiệp Nhóm I phải được xác nhận bởi cơ quan Kiểm lâm sở tại về nguồn gốc gỗ. Lô hàng gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước xuất khẩu sang thị trường ngoài EU thì không cần xác nhận. Cơ quan Kiểm lâm thực hiện kiểm tra thực tế 20% lô hàng gỗ. Nếu có thông tin vi phạm thì đề xuất Thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm sở tại quyết định tăng tỷ lệ kiểm tra và gia hạn thời gian kiểm tra (không quá 02 ngày).

Bên cạnh đó, giấy phép FLEGT sẽ bị thu hồi nếu thuộc một trong các trường hợp sau: chủ gỗ tự nguyện trả lại; giấy phép FLEGT hết hạn nhưng chủ gỗ không xuất khẩu hoặc không đề nghị gia hạn giấy phép; chủ gỗ có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lô hàng xuất khẩu bị phát hiện sau khi được cấp giấy phép; chủ gỗ có hành vi gian lận thông tin liên quan đến giấy phép FLEGT đã được cấp.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 30/10/2020.

 

 

Phạm Oanh