Ngày hội trăng rằm giữa sóng Trường Sa
Xã hội - Ngày đăng : 11:20, 30/09/2020
Trung thu xanh
So với đất liền ở thời điểm này, thì Trường Sa là nơi đón Trung thu sớm nhất. Tại đảo Trường Sa lớn, không khí trung thu đã ngập tràn trong lòng các em học sinh từ trung tuần tháng 9. Ngoài những phần quà như bánh trung thu, đèn lồng, theo tàu từ đất liền vượt sóng ra đảo, còn có những món quà “độc nhất vô nhị” làm bằng cành cây, lá phong ba kết thành những ngôi sao vàng 5 cánh.
Học sinh Trường Sa lớn trong niềm vui đón mùa trung thu mới. Ảnh: Trọng Thiết |
Thầy giáo Bành Hữu Tình ở đảo Trường Sa Lớn cho biết, trung thu rằm tháng Tám không chỉ là dịp để cho các em học sinh vui chơi sống với tuổi ấu thơ, mà còn để các em “trổ tài” làm bánh, vẽ tranh, làm đèn trung thu. “Năm nay, chủ đề trung thu của các cháu học sinh Trường Sa là bảo vệ môi trường biển, đảo xanh, sạch, đẹp, không rác thải nhựa. Ngoài bánh trung thu được các chú bộ đội tặng, thầy trò còn làm quà trung thu bằng các chất liệu cành cây bàng quả vuông, hoa cỏ. Ngoài vui chơi giải trí, các em học sinh cùng các chú bộ đội tổ chức nhặt rác thải nhựa từ biển dạt vào mép đảo và trồng cây xanh. Đây là việc làm ý nghĩa với tinh thần học theo lời Bác Hồ dạy Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”- thầy Tình chia sẻ.
Nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, học sinh đảo Sinh Tồn tổ chức đón trung thu sớm trong niềm vui phấn khởi. Ngoài những trò chơi truyền thống như “rước đèn kéo quân”, “thi đèn lồng đẹp”; bộ đội, học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh ở đảo này còn tổ chức các tiết mục văn nghệ để biểu diễn bên cột mốc chủ quyền. Thầy giáo Nguyễn Công Qua cho hay, lớp học đã luyện tập 5 tiết mục văn nghệ để biểu diễn. Đúng đêm rằm, đảo sẽ tổ chức cho các em thi biểu diễn văn nghệ, rước đèn trung thu và thi “tay em khéo, đẹp”.
Ngày hội trung thu ở Trường Sa lớn. Ảnh: Thành Nhân |
“Với chủ đề trung thu xanh, ngoài hoạt động tổ chức đón trung thu theo nghi thức truyền thống, thầy trò chúng tôi còn tham gia nhiều hoạt động với các chú bộ đội ở đảo như nhặt rác thải, quét dọn vệ sinh quanh trường học, thi vẽ tranh “ước mơ xanh”, làm đèn ngôi sao bằng các vật chất không tác hại môi trường. Chúng tôi muốn truyền tải đến các em học sinh về ý thức bảo vệ môi trường biển xanh, sạch, đẹp. Đây cũng là góp phần xây dựng và hình thành ý thức các em bảo vệ đại dương xanh”, thầy Qua cho biết.
Từ nhiều năm qua, đảo Song Tử Tây luôn có truyền thống tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho thiếu nhi hay nhất so với các đảo khác. Theo bật mí của thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc: “Trung thu năm nay sẽ rất ấn tượng với thầy trò chúng tôi. Ngoài những phần quà trung thu truyền thống tặng các em học sinh, các chú bộ đội kết hợp với các em tổ chức thi “Thời trang xanh”. Đây là hoạt động ý nghĩa trong chủ đề “Bảo vệ đại dương xanh” của đảo. Đêm rằm, đảo sẽ tổ chức đón trung thu ngay cột mốc chủ quyền. Đây là mùa trung thu đẹp vì thời tiết ở đảo khá yên bình, không mưa, nắng nhẹ”- Thầy Ngọc nói.
Mỗi một mùa trung thu, là dịp để bốn ngôi chùa ở bốn đảo: Chùa Trường Sa Lớn, Chùa Sinh Tồn, Chùa Song Tử Tây, Chùa Nam Yết đồng hành cùng các em học sinh và coi đây là nghĩa cử đẹp, hòa nhịp cùng tuổi ấu thơ của trẻ. Sư thầy Thích Pháp Đạt ở Chùa đảo Trường Sa lớn cho biết, năm nào nhà chùa cũng đồng hành đêm hội trăng rằm với các em học sinh. Năm nay, nhà chùa tổ chức tặng bút, cặp, sách vở cho các cháu. Mặc dù xa về khoảng cách địa lý, nhưng các em vẫn có trung thu như ở đất liền. Đúng ngày rằm trung thu, nhà chùa sẽ mở cửa đón cán bộ chiến sĩ vào lễ phật. Đây là hoạt động tâm linh thường xuyên, thể hiện sự khát vọng quốc thái dân an, thế giới hòa bình, biển đảo bình yên”, Đại đức Thích Pháp Đạt chia sẻ.
Tuổi ấu thơ sống lại
Những ngày này, 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân khắp Quần đảo Trường Sa dấy lên niềm vui như ngày hội lớn. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nêu cao cảnh giác, kịp thời phát hiện những con tàu “không mời mà đến” mời ra khỏi vùng biển, đảo nước ta, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần XI; cán bộ chiến sĩ còn dịp để sống lại tuổi thơ, hòa chung niềm vui cùng những các “chiến sĩ nhí” khoác “áo vằn cánh sóng”.
Các em học sinh ở đảo Sinh Tồn. Ảnh: Lê Khanh |
Lần đầu tiên đón trung thu nơi xa nhất của Tổ quốc giữa sóng nước Trường Sa, binh nhất Nguyễn Cảnh Quân ở phân đội 1 đảo Trường Sa lớn xốn xang trong lòng. Tuổi ấu thơ ùa về trong ký ức. Sau những giờ huấn luyện trên đường băng hầm hào công sự, Quân đến Trường tiểu học giúp các em làm đèn trung thu bằng cành, lá bàng quả vuông và cùng thầy giáo Bạch Hữu Tình nhặt rác bãi biển.
“Tôi như sống lại tuổi ấu thơ. Những chiếc lồng đèn làm bằng cành, lá cây bàng quả vuông không những tạo nên môi trường xanh không rác thải nhựa, mà còn là những chiếc đèn lồng mang dáng hình Tổ quốc. Giữa đại dương bao la, đèn kéo quân vẫn rực sáng. Đó là ánh sáng của khát vọng hòa bình và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội và Bộ quốc phòng”.
Thêm một mùa trung thu sống lại tuổi ấu thơ, Trung úy Đào Văn Sử ở đảo Song Tử Tây chia sẻ qua facebook: “Mặc dù đã qua tuổi “đòi bánh chia quà”, nhưng mỗi mùa trung thu đến là mỗi lần trẻ lại. Những ký ức đẹp đẽ của ngày hôm qua, là hành trang của hôm nay. Ngắm chị Hằng giữa biển trời Tổ quốc, làm cho mình yêu đời hơn, cảm thấy biển đảo thiêng liêng hơn. Ai đã một lần ngắm trăng rằm giữa nơi đầu sóng ngọn gió này, chắc sẽ hiểu được khát vọng hòa bình của những người lính biển đang ngày đêm cống hiến tuổi xanh của mình cho sự bình yên của chủ quyền biển đảo”.
Trung thu ở đảo Song Tử Tây, ảnh Thành Nhân |
Năm cuối cùng đón trung thu giữa biển trời Tổ quốc, gia đình chị Đặng Thị Hoài Anh ở “làng chài” Trường Sa lớn làm hai loại bánh tặng các chú bộ đội và các em học sinh ở đảo. Chia sẻ qua điện thoại, chị Hoài Anh cho biết, đây là mùa trung thu cuối của chị ở Trường Sa. Sau ngày trung thu, gia đình chị sẽ trở về đất liền theo “niên hạn thời gian công tác”. “Tôi như trẻ ra, sống lại thời còn bé. Trường Sa đã cho tôi quá nhiều ân tình. Quà trung thu tôi tặng các em học sinh và các chú bộ đội là những phần bánh tự tay tôi làm. Đó là tình cảm của tôi trước khi tạm biệt Trường Sa”- chị Hoài Anh xúc động, nói.
Trung thu của những “chiến sĩ nhí” khoác “áo vằn cánh sóng” Trường Sa bao giờ cũng “đặc biệt” hơn ở đất liền. Bởi ngoài những phần quà truyền thống mang hương vị quê hương, đất nước; còn có những chiếc đèn trung thu làm bằng cành lá cây phong ba, bàng vuông, và những chiếc bánh trung thu mặn mòi vị biển. Nhưng cao cả, ý nghĩa và nhân ái hơn, là ở “doi cát vàng” xa nhất của Tổ quốc ấy, các em học sinh vẫn có một mùa trung thu yên bình hạnh phúc. Điều đó cũng khẳng định rằng, lãnh thổ Việt Nam ở đâu, có thiếu nhi Việt Nam ở đó.
Những đứa trẻ ở Trường Sa, là thế hệ người Việt tương lai bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là những người “Nuôi dưỡng hoài bão, thắp sáng ước mơ, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập, làm nhiều việc tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, phát triển toàn diện để sau này tiếp nối cha anh xây dựng đất nước ta giàu đẹp, văn minh”, đúng như lời Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư cho các cháu thiếu niên nhi đồng, ngày 28-9-2020 nhân dịp Tết trung thu trên cả nước.
“Những chiếc lồng đèn làm bằng cành, lá cây bàng quả vuông không những tạo nên môi trường xanh không rác thải nhựa, mà còn là những chiếc đèn lồng mang dáng hình Tổ quốc. Giữa đại dương bao la, đèn kéo quân vẫn rực sáng. Đó là ánh sáng của khát vọng hòa bình và của niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”- hạ sĩ Nguyễn Cảnh Quân.