Làng nghề lồng đèn Hội An tất bật vào vụ Trung thu

Xã hội - Ngày đăng : 08:58, 30/09/2020

(TN&MT) - Vào mùa Trung thu, nghề làm lồng đèn truyền thống vốn nổi tiếng của các nghệ nhân ở phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) càng thêm tất bật. Với họ, nghề làm lồng đèn không chỉ là sinh kế cho thu nhập ổn định, mà còn bởi đèn lồng Hội An mang hơi thở văn hóa người dân phố cổ.

Khi nhắc đến Hội An, mọi người sẽ nghĩ ngay đến phố cổ với những chiếc đèn lồng lung linh đầy sắc màu. Có thể nói rằng, chính đèn lồng đã góp phần tạo nên thương hiệu, mang đến vẻ đẹp rất riêng cho phố cổ Hội An.

Cơ sở làm lồng đèn Minh Hiền tất bật vào vụ Trung thu

Chị Trần Thị Minh Tuyền, cơ sở làm lồng đèn Minh Hiền (04 Cao Hồng Lãnh, TP.Hội An) không nhớ nghề làm lồng đèn Hội An của gia đình đã có từ khi nào, chỉ biết ngay từ khi còn nhỏ đã lớn lên cùng những chiếc đèn lồng đủ màu sắc rực rỡ. Chị Tuyền cho biết, đèn lồng làm quanh năm, nhưng mỗi dịp Trung Thu, Tết Nguyên đán thì được đặt mua nhiều hơn cả. Năm nay, dù dịch Covid – 19, nhưng những đơn làm đèn lồng không những không giảm mà còn tăng hơn so với mọi năm. Đèn lồng Hội An rất được ưa chuộng bởi các khách hàng trong cả nước.

Những ngày này, ở cơ sở Minh Hiền tấp nập người ra vào. Những người thợ làm lồng đèn đang gấp rút hoàn thành những đơn hàng cuối cùng để kịp chuyển đến các cửa hàng bán lồng đèn trong cả nước kịp lên kệ trước dịp Trung Thu.

Để làm một chiếc lồng đèn cần 2 khâu chính là làm khung và bọc vải đều vô cùng tỉ mỉ, kỳ công và tinh tế.

Nhìn những chiếc đèn lồng tre mộc mạc và bình dị này mấy ai có thể thấy hết được sự kì công từ quá trình chuẩn bị nguyên liệu cho đến quy trình sản xuất. Để làm một chiếc lồng đèn cần 2 khâu chính đó là làm khung và bọc vải.

Tre làm lồng đèn phải là tre già ngâm với nước muối 10 ngày để chống mối, mọt, sau đó phơi khô, vót mỏng tuỳ theo kích cỡ của từng loại đèn. Sau này, để phục vụ cho những sự kiện phải di chuyển nhiều, trưng ngoài trời cần sự chắc chắc …khung lồng đèn được làm bằng kim loại. Đối với những lồng đèn đơn giản cần có sự cân đối ở hai đầu, còn các lồng đèn phức tạp cần có sự khéo léo cố định những vị trí lồi, lõm và phải đảm bảo tính hài hòa, các tỷ lệ của hình dạng phải thực hiện. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, gấm có độ dai dể khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong. Vì vậy, chiếc đèn lồng khi hoàn thành nhìn rất mềm mại, nhưng lại chắc chắn, nhẹ nhàng nhưng rất lung linh, như một phần tính cách của người Hội An.

Khung làm lồng đèn có thể là khung tre hay khung kim loại

Tùy theo yêu cầu của khách hàng, người thợ sẽ sử dụng sự khéo léo của đôi bàn tay dán vải vào khung đèn lồng sao cho vải được chăng căng, nhất là ở những đoạn cong. Sau khi dán xong, người thợ sẽ cắt tỉa và chỉnh lại các mép vải ở các cạnh khung. Nếu như khâu làm khung thường đàn ông thực hiện, thì khâu bọc vải lại chỉ có phụ nữ bởi nó đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo cao.

Khi hoàn thành 2 công đoạn chính, người làm lồng đèn còn tùy theo hình dạng của lồng đèn để bổ sung những công đoạn phụ để hoàn thiện sản phẩm như kết tua đèn, làm móc treo đèn, hay gắn chuôi đèn lồng. Hoặc có thể theo yêu cầu của khách để vẽ trang trí lên đèn lồng.

Nghề làm đèn lồng ở Hội An có tuổi đời đã hơn 400 năm và được vinh danh là 1 trong 9 làng nghề truyền thống tiêu biểu của Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đèn lồng Hội An bây giờ có nhiều kích cỡ, hành dạng, màu sắc, mẫu mã từ đơn giản như hình tròn, hình lục giác, bát giác… đến những mấu phức tạp như hình mẫu 12 con giáp, đèn kéo quân…. Đèn lồng bằng tre ngày nay cũng được các nghệ nhân sáng tạo để có thể xếp gọn để mở ra hoặc xếp lại thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa.

Đang tỉ mẩn cân lại các mép dán đèn lồng, chị Trần Thị Thu Hà cho biết đã gắn bó với nghề làm đèn lồng gần 20 năm. Chị bảo, gồi còn con gái cũng có 2, 3 năm đi làm may, nhưng rồi thấy công việc công nghiệp ấy không phù hợp nên chị đã về xin học nghề làm đèn lồng. Học rồi mê, rồi gắn bó, riết rồi làm nghề đến nay cũng được gần 20 năm.  Mỗi lần nhìn thấy đèn lồng Hội An được treo ở cửa hàng của người dân các địa phương khác chị thấy rất hãnh diện và vui.

Đèn lồng Hội An bây giờ có nhiều kích cỡ, hành dạng, màu sắc, mẫu mã từ đơn giản như hình tròn, hình lục giác, bát giá

Theo chị Hà, nghề làm đèn lồng không khó, chỉ cần sự chăm chỉ, cần cù, tỉ mỉ và đặc biệt là có một chút khéo tay. “Bây giờ thì mẫu đèn nào chị cũng làm được. Nghề này không chỉ mang lại thu nhập ổn định, mà còn phù hợp với nếp sống, tính cách của người Hội An nhẹ nhàng, tỉ mẩn và khéo léo”, chị Hà chia sẻ.

Đèn lồng đã góp phần tạo nên thương hiệu, mang đến vẻ đẹp rất riêng cho phố cổ Hội An.

Đến cơ sở làm đèn lồng để đặt 5 cặp đèn, cô Nguyễn Thị Hương (Tân An, Tp. Hội An) cho biết cô có người thân ở TP. Hồ Chí Minh. Xa quê, đến dịp Trung thu – Tết đoàn viên nhưng không về đoàn tụ được nên đã nhờ cô đặt đèn lồng Hội An để gửi vào trang hoàng nhà cửa, thắp đèn lồng để đỡ nhớ quê hương và như được hòa mình vào không khí Hội An trong mùa Tết đoàn viên.

Du khách cũng tranh thủ đến khu phố bán đèn lồng để chụp ảnh

Dọc phố cổ những ngày rằm, Lễ, Tết buổi tối không có ánh điện mà rực rỡ, lung linh ánh sáng đèn lồng. Trung thu năm nay, phố cổ Hội An thưa vắng hơn rất nhiều so với những năm trước bởi ảnh hưởng của dịch Covid – 19, tuy nhiên, những chiếc đèn lồng chưa bao giờ hết “phô diễn” vẻ đẹp huyền ảo vốn có, tạo cảm giác bình yên, lắng đọng cho mỗi du khách đến với phố cổ dịp này. Nhiều người dân phố hội sau một ngày làm việc đến cửa hàng mua những cặp đèn lồng mới để trang trí cho nhà cửa, bày biện ở bàn thờ gia tiên để đón một mùa Tết đoàn viên, ấm áp.

Lan Anh