Điện Biên: Cần tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh dự án đường Na Sang – Huổi Mí – Tủa Chùa
Tiếng dân - Ngày đăng : 16:34, 29/09/2020
Dự án đường Na Sang – Huổi Mí – Tủa Chùa được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt tại Quyết định 591/QĐ-UBND ngày 29/6/2017 và được chia thành 3 gói thầu với tổng chiều dài 48km, quy mô đường cấp V miền núi, nền đường rộng 7m, mặt đường 5,5m. Tổng mức đầu tư Dự án là 690 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2020.
Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Lộc thi công gói thầu số 1 trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Ảnh: Văn Tâm |
Theo quan sát của PV, tại điểm đầu tuyến của Dự án, đoạn từ xã Huổi Mí - xã Nậm Nèn (huyện Mường Chà), nhiều điểm sạt lở từ ta luy dương, với khối lượng đất đá lớn, phủ kín một phần lòng đường, cục bộ một số điểm, đất đá sạt lở lấp kín mặt đường. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Điện Biên, cho biết: Do mùa mưa năm nay kéo dài và lượng mưa nhiều, đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường này, ảnh hưởng tới tiến độ thi công của các nhà thầu.
Theo thống kê, tính đến giữa tháng 9, trên chiều dài 48km toàn tuyến đường đã xuất hiện trên 220 điểm sạt lở lớn, nhỏ, với tổng khối lượng sạt lở ước tính 350 nghìn mét khối đất đá; làm ách tắc lưu thông toàn tuyến và khiến một số nhà thầu đang thi công không thể huy động, di chuyển thêm phương tiện vào thi công.
Trên toàn tuyến của Dự án có nhiều đoạn sạt lớn như: Km3+ 30, km6+ 500, km10+200, km15 +200, km16+100, km22+300, km29+100, km38+100, km38+900, km39 +900, km41+758, km45+700... Cá biệt, tại km15+500 và 16+400 khối lượng đất đá và cây cối từ ta luy dương sạt xuống đã tràn vào nhà dân ven đường; còn tại km46+242, đất đá tràn xuống vùi lấp, gây tắc nghẽn lưu thông cống thoát nước, nước không thoát kịp đã gây ngập úng trên bề mặt đường.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Điện Biên: Để khắc phục tình trạng sụt, sạt nghiêm trọng này, Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng mời đơn vị bảo hiểm dự án và các nhà thầu thi công xác định toàn bộ khối lượng sụt, sạt; đồng thời thống nhất phương án khắc phục tổn thất, tu sửa đường giao thông để tiếp tục triển khai các công việc theo hồ sơ thiết kế của dự án.
Tại vị trí km16 (thuộc xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà), nằm giữa cung đường từ xã Huổi Mí - xã Nậm Nèn, Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng & Thương mại Huy Hoàng đã tập trung máy móc và công nhân khẩn trương hót dọn đất đá tràn từ ta luy dương xuống lòng đường và khắc phục những đoạn nền đường bị hư hỏng để kịp thời thông tuyến.
Được biết, đến nay các gói thầu thi công trong Dự án đường Na Sang - Huổi Mí - Tủa Chùa đã đạt 73% khối lượng. Trong đó, nền đường hoàn thành 100%, công trình cầu đạt 85%; tường chắn thi công 44/47 vị trí đạt 94%... Theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Điện Biên: Thời gian đầu, Dự án gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ công trình, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng; đồng thời chỉ đạo bộ phận quản lý dự án, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và huy động đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị để tổ chức thi công, nhằm đảm bảo tiến độ thi công.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Điện Biên: Hiện nay, ngoài việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sụt, sạt trên toàn tuyến, Dự án còn gặp khó khăn về việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ không đáp ứng theo kế hoạch thực hiện dự án. Do đó, để Dự án đường Na Sang - Huổi Mí - Tủa Chùa có thể hoàn thành trong năm 2020 theo đúng kế hoạch, thì nhu cầu vốn giải ngân cho khối lượng xây lắp lúc này cần thêm là trên 109 tỷ đồng. Dự án đường Na Sang – Huổi Mí – Tủa Chùa chậm tiến độ và không thể tiếp tục đầu tư, thiệt thòi nhất vẫn là người dân 5 xã Na Sang, Nậm Nèn, Huổi Mí, Nậm Mức (huyện Mường Chà) và thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa), bởi đây là tuyến đường giao thônng nối liền giao thương giữa các xã thuộc hai huyện Mường Chà và Tủa Chùa. Trước khi chưa đầu tư Dự án này, nhân dân 2 huyện gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa và thường bị cô lập vào mùa mưa, khiến cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.