Ứng dụng phương pháp nghiên cứu địa mạo đáy biển để dự báo tiềm năng khoáng sản

Tài nguyên - Ngày đăng : 14:43, 29/09/2020

(TN&MT) - Nhằm phân chia thống nhất các đơn vị địa mạo, phục vụ dự báo tiềm năng khoáng sản và tai biến địa chất động lực, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đã nghiên cứu, lập bản đồ địa mạo đáy biển vùng biển 0-200 m nước Đông Nam Bộ tỷ lệ 1:2.00.000

Công tác lập bản đồ địa mạo để phân chia các đơn vị địa mạo có triển vọng khoáng sản hết sức cần thiết đối với vùng biển 0-200 m nước Đông Nam Bộ. Ảnh minh họa

Xác định rõ triển vọng khoáng sản vùng biển 0-200m nước

Theo ThS. Dương Tuấn Ngọc (Liên đoàn Địa chất và khoáng sản biển – Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), trước đây, nghiên cứu địa mạo đáy biển vùng biển Đông Nam Bộ nói riêng và Biển Đông nói chung đã được các nhà khoa học thực hiện và thành lập bản đồ địa mạo đáy biển tỷ lệ 1:1.000.000, tỷ lệ 1:500.000 cho vùng biển 0-100m nước. Các bản đồ này đã phân chia đáy biển thành các kiểu địa hình theo nguyên tắc nguồn gốc - hình thái và bước đầu xác định một số kiểu địa hình đáy biển có ý nghĩa tìm kiếm khoáng sản. Việc nghiên cứu, lập bản đồ địa mạo đáy biển vùng biển 0-200 m nước Đông Nam Bộ tỷ lệ 1:200.000 được tiến hành trên cơ sở kế thừa các kết quả đã có và bổ sung các tài liệu nghiên cứu mới, theo nguyên tắc nguồn gốc - hình thái - động lực.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về triển vọng khoáng sản vùng biển 0-200m nước Đông Nam Bộ cho thấy, trong tầng trầm tích Đệ tứ, khoáng sản có ý nghĩa nhất là sa khoáng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Về sa khoáng, đã xác định có 6 vùng triển vọng sa khoáng phân bố ở độ sâu 3-70 m nước, chiều dày tầng chứa quặng trung bình 4,5 m. Thành phần khoáng vật quặng gồm các khoáng vật quặng titan (ilmenit, leucoxen, rutil, anataz) và zircon, ít hơn có monazite. Hàm lượng tổng khoáng vật nặng có ích từ 367-21.900 g/m3; tài nguyên dự báo hơn 20 triệu tấn tinh quặng. Các thân sa khoáng phân bố khu vực gần bờ hoặc khu vực địa hình liên quan tới các đới đường bờ cổ, lòng sông cổ; trong các trường trầm tích hạt thô, hạt trung mịn (cát, cát bùn, cát lẫn bùn, cát lẫn sạn, cát sạn...).

Về khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đã xác định có 8 vùng triển vọng phân bố ở độ sâu 5-45 m nước, chiều dày tầng sản phẩm trung bình 8-9 m; thành phần là cát, cát sạn lẫn ít vụn sinh vật; tài nguyên dự báo hơn 35 tỷ m3. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng phân bố chủ yếu trong trầm tích hiện đại, trên các đới đường bờ cổ ở độ sâu 23-35 m nước và 50-60 m nước, tạo thành các đới cồn ngầm với thành phần trầm tích là cát cát có độ mài tròn và chọn lọc tốt phân bố kéo dài không liên tục theo đường đẳng sâu và gần song song với bờ biển hiện đại.

Địa mạo có vai trò lớn trong tìm kiếm khoáng sản vùng biển 0-200m nước Đông Nam Bộ

Hầu như toàn bộ các khoáng sản ngoại sinh tại phần lục địa ven biển cũng như đáy biển đều liên quan rất chặt chẽ với các quá trình địa mạo. Vì vậy, công tác lập bản đồ địa mạo để phân chia các đơn vị địa mạo có triển vọng khoáng sản hết sức cần thiết đối với vùng biển 0-200 m nước Đông Nam Bộ. PGS.TS. Vũ Văn Phái, Giảng viên Khoa Địa lý (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, việc nghiên cứu xác định chính xác hệ thống thềm biển cổ cũng như các đới đường bờ cổ là cơ sở quan trọng, có ý nghĩa cho việc tìm kiếm khoáng sản, đặc biệt là sa khoáng, vật liệu xây dựng.

Lý giải về điều này, PGS.TS. Vũ Văn Phái cho biết: Các thềm biển cổ, các đới đường bờ cổ được nâng lên hay chìm ngập dưới mực nước biển hiện đại là kết quả của điểm dừng lâu nhất của mực nước biển trong quá trình biển tiến hay biển thoái và sự biến đổi đường bờ biển, có mối liên hệ chặt chẽ với sự thay đổi của mực nước biển trong mỗi thời kỳ. Hệ thống đường bờ cổ liên quan mật thiết đến quá trình hình thành các thềm biển, nón quạt cửa sông, đê cát ven bờ, sét lagoon cổ hoặc trầm tích hạt thô bãi triều cổ. Vật liệu cấu tạo nên các đường bờ biển cổ đa phần là vật liệu hạt thô có thành phần cát, sạn chứa khoáng vật nặng.

Ngoài các hệ thống lòng sông cổ, đường bờ cổ, trong vùng đáy biển 0-60m nước Đông Nam Bộ còn tồn tại tướng trầm tích “sóng cát” biển nông ven bờ và đê cát ven bờ được thành tạo trong môi trường đáy biển nông tạo nên dạng địa hình độc đáo và có triển vọng khoáng sản làm vật liệu xây dựng. “Các đê cát ven bờ, hệ thống lòng sông cổ trong vùng biển 0-60 m nước Đông Nam Bộ chính là nơi có triển vọng tập trung sa khoáng và vật liệu xây dựng” - PGS.TS. Vũ Văn Phái khẳng định.

Box: Vùng biển 0-200 m nước Đông Nam Bộ kéo dài từ đường bờ biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh về phía Đông – Nam khoảng 350 km, thuộc đơn vị địa mạo thềm lục địa Biển Đông. Bản đồ địa mạo là một trong 3 bản đồ (bản đồ địa mạo, bản đồ thạch học và bản đồ thủy động lực) trợ giúp cho việc đánh giá dự báo triển vọng khoáng sản ở thềm lục địa nói chung. 

Lan Chi