Phân loại rác tại nguồn: Bài học sau những thất bại

Môi trường - Ngày đăng : 09:57, 29/09/2020

(TN&MT) - Không ít chương trình phân loại rác tại nguồn, dự án xử lý rác thải được quảng bá một cách rầm rộ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, nó lặng lẽ chìm dần. Việc Hà Nội tái khởi động phân loại rác tại nguồn khắc phục những tồn tại của các chương trình trước đây ra sao?

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội trung bình mỗi ngày thải bỏ ra khoảng 7.000 tấn rác. Toàn bộ rác sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, tất cả được vận chuyển đến bãi chôn lấp thuộc Khu LHXL rác Nam Sơn - Sóc Sơn và bãi Xuân Sơn. Với công nghệ xử lý hiện tại và lượng rác thải ra ngày càng tăng thì theo tính toán, bãi chôn lấp rác Nam Sơn sẽ hết khả năng tiếp nhận rác vào cuối năm 2020.

Các Chuyên gia về môi trường cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên, mang lại lợi ích cho Nhà nước qua nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến. Không những thế, nó còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Lợi ích như vậy nhưng tại sao nó không được duy trì?

Trước đây, Dự án 3R-HN về phân loại chất thải tại nguồn được Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ áp dụng thử nghiệm tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã có những kết quả tích cực trong giai đoạn 2006 - 2010. Tuy nhiên, sau đó lại chưa phát huy được hiệu quả và lặng lẽ chìm dần.

Người dân hào hứng tham gia “đổi rác tái chế lấy quà tặng”

Ông Nosihisa Hirata, chuyên gia Nhật Bản thuộc công ty Vietnma Waste Planning cho rằng, dự án này được thực hiện ở quy mô thử nghiệm nên việc không được duy trì, mở rộng tất yếu dẫn đến việc bị quên lãng là đương nhiên. Nguyên nhân TP. Hà Nội chưa thể mở rộng việc thực hiện phân loại rác tại nguồn thời điểm đó, có lẽ do thành phố chưa chuẩn bị tài chính và vấn đề phân loại rác tại nguồn chưa được ưu tiên.

Từ thất bại trong quá khứ, theo chuyên gia Nhật Bản, để thực hiện thành công việc phân loại rác tại nguồn cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo thành phố, các cơ quan quản lý chuyên môn của Nhà nước để từ đó thu hút được sự tham gia của người dân - những chủ thể và cũng là mục tiêu hướng tới của hệ thống thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Bên cạnh đó, chuyên gia Nhật Bản cũng nhấn mạnh vai trò của các công ty thu gom rác thải. Không chỉ có vai trò quan trọng trong hệ thống thu gom mà bản thân những người công nhân thu gom còn đóng vai trò những người giám sát trực tiếp việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Một lần nữa nhấn mạnh sự chỉ đạo và tham gia từ chính quyền thành phố, cơ quan quản lý, đơn vị thu gom và người dân trong hoạt động này, ông Nosihisa Hirata gợi ý, cần xây dựng được cơ chế khuyến khích; ví dụ như rác tái chế thì không thu phí thu gom, rác cần xử lý thì thu phí cao hơn để tạo động lực cho người dân thực hiện.

Điểm mới trong cách phân loại - thu gom - xử lý của dự án PLRTN mà TP. Hà Nội đang triển khai:

Rác được người dân phân loại tại nhà thành 2 loại: có thể tái chế và rác còn lại. Đơn vị thu gom (Urenco) sẽ thực hiện thu gom thông qua 3 hình thức: thu hàng ngày, thu qua app di động mGreen và thu định kỳ vào sáng thứ 7 hàng tuần.

Sự hỗ trợ của công nghệ là app di động giúp kết lối các chủ nguồn thải và người thu gom. Thu gom bằng hình thức mua bán, cho tặng hoặc tích điểm và đổi quà, tùy thuộc vào nhu cầu của người dân.

Riêng với rác thải nhựa, những loại rác thải nhựa có giá trị cao sẽ được tái chế thành bao bì sản phẩm. Rác thải nhựa có giá trị thấp và không có giá trị sẽ được xử lý, tái chế thành viên đốt - nhiên liệu đầu vào trong quy trình sản xuất trong các nhà máy công nghiệp.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Dẫn chứng từ thực tế tại thành phố Hino (thuộc Tokyo), chuyên gia Nhật Bản cho hay, để thực hiện được việc PLRTN, cả hệ thống chính trị của thành phố này đã phải vào cuộc. Bản thân Thị trưởng thành phố Hino cùng với các cán bộ phụ trách đã xuống nhà từng người dân, thành phố; đã tổ chức hàng nghìn cuộc họp với người dân để thuyết phục, giải thích với người dân sự cần thiết của việc thực hiện PLRTN.

Theo ông Nosihisa Hirata, Thành phố Hino đã dần chuyển đổi được hệ thống thu gom bằng thùng cố định (rất tiện cho người dân có thể đổ rác bất kỳ lúc nào nhưng không thể kiểm tra được việc thực hiện PLRTN) sang thu gom bằng túi trong giờ quy định; kết hợp thu phí vệ sinh trong giá bán túi đựng rác, giá các loại túi khác nhau theo kích cỡ và theo túi dành cho loại rác (trả tiền theo lượng rác phát sinh và loại rác phát sinh). Đó chính là cơ chế khuyến khích người dân thực hiện giảm thiểu lượng rác phát sinh và phân loại rác tại nguồn để tiết kiệm tiền cho chính bản thân mình.

Tháng 8/2020, Hà Nội tái khởi động chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, trong đó, trước mắt làm điểm tại 3 phường: Phan Chu Trinh, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. Dự kiến, trong năm 2020 triển khai đồng bộ trên 18 phường của địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Cùng với các điểm tại quận Hoàn Kiếm, từ 5/9, chương trình được triển khai nhân rộng ra 3 quận: Ba Đình (1 điểm tại 282 Kim Mã); Hai Bà Trưng (2 điểm tại Vân Đồn, Lê Thanh Nghị); Đống Đa (1 điểm tại Yên Lãng).

Tuyết Chinh