Chung sức dưỡng biển
Biển đảo - Ngày đăng : 09:54, 29/09/2020
Thế nhưng, chưa bao giờ các vùng ven biển lại đứng trước nhiều thách thức như lúc này. Không chỉ là đe dọa từ những đợt mưa lũ, bão lớn, triều cường... mà còn cả các thảm họa môi trường tác động trực tiếp đến sự sinh tồn của hàng triệu cư dân ven biển.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy, hơn 50% dân số sinh sống ở khu vực ven biển sẽ chịu tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu nói chung và nước biển dâng nói riêng. Ở Việt Nam, hơn 400 đô thị vùng duyên hải sẽ chịu ảnh hưởng, trong đó hơn 100 đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của thảm họa lâu dài này. Những gì đang diễn ra tại khu vực các tỉnh miền Trung cho thấy, ngoài những tác động của thiên nhiên, còn rất nhiều mối lo khác do chính con người gây ra. Trong đó, ô nhiễm rác thải đại dương là mối nguy lớn nhất.
Các hoạt động vì môi trường đang được nhân lên |
“Làm sạch biển”, “chống ô nhiễm rác thải nhựa”, “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, “chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương”… là những chủ đề tuyên truyền và hoạt động thiết thực mà Báo Tài nguyên & Môi trường đã kiên trì triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức trong thời gian qua. Thành công của chuỗi sự kiện vì môi trường mà Báo Tài nguyên & Môi trường phối hợp với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp tuần qua tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục cho thấy sự đồng lòng, chung tay của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đầy ý nghĩa này.
Các hoạt động này không chỉ cổ vũ phong trào làm sạch biển, mà còn có những hỗ trợ thiết thực với chính những ngư dân bám biển. Những chiếc áo phao, chiếc thùng đựng rác trên những con tàu khi ra khơi, những phần quà nho nhỏ… mà Báo Tài nguyên & Môi trường cùng các doanh nghiệp đem đến với bà con ngư dân như là những động viên thiết thực, cổ vũ bà con tự giác, tự nguyện dưỡng biển, chăm sóc chính nguồn sống của mình.
Thực tế thời gian qua cho thấy, hưởng ứng các phong trào làm sạch môi trường do Chính phủ, Bộ TN&MT phát động, nhiều địa phương trên cả nước đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân lên các hoạt động vì môi trường là cơ hội để nhân loại phải nhìn nhận, đánh giá lại con đường và mô hình phát triển, từ đó tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động để môi trường sống tự nhiên trên toàn cầu mãi trường tồn, những giá trị văn hóa, lịch sử cao đẹp của bao thế hệ của chúng ta sẽ được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ mai sau. Và hơn hết là giúp chúng ta thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng không bền vững.
Mọi hành động nhỏ, tích cực, ý nghĩa của mỗi cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng đều có thể làm cho thế giới thay đổi, tốt đẹp hơn. Hành tinh thêm xanh và môi trường sống của chúng ta trở nên an lành.
Với nhận thức như thế, chúng ta cần cùng hành động ngay từ bây giờ để tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa lớn lao, nhằm đảm bảo các thế hệ người dân Việt Nam và toàn cầu sẽ được hưởng môi trường sống trong lành, an toàn và bền vững; để từng thước đất của Tổ quốc, mỗi km2 bờ biển, đại dương của toàn nhân loại không còn bóng dáng của rác thải nhựa, cảnh quan sinh thái được bảo vệ trường tồn...