Sơn La: Cảnh báo mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 21:44, 27/09/2020

(TN&MT) - Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 270/CB-PCTT, ngày 27/9/2020, về việc cảnh báo mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Ảnh minh họa

Theo tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Sơn La từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, trong 6 giờ qua (từ 2 giờ đến 7 giờ ngày 27/9), khu vực tỉnh Sơn La có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to trên các huyện. Lượng mưa phổ biến từ 19mm đến 58mm.

Dự báo trong khoảng 6 giờ tới, tỉnh Sơn La tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-50mm, có nơi trên 80mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Đặc biệt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao tại các huyện: Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai.

Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trung bình tại các huyện: Sông Mã, Sốp Cộp, TP Sơn La, Mường La.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và chủ động ứng phó với các tình huống, sự cố thiên tai mưa, lũ, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn để chủ động thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Triển khai kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, chủ động sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; triển khai lực lượng xung kích cơ sở kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu (ngầm tràn, tuyến đường bị ngập nước, các bọng nước….) để phát hiện kịp thời, có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.

Chỉ đạo việc đảm bảo an toàn cho việc sản xuất, đi lại, nhất là người dân làm ở các nương rẫy; đi lại tại các khu vực ngầm tràn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu khu vực vừa bị ảnh hưởng của động đất; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; có phương án hạ thấp mực nước và thông tin cho khu vực hạ du hồ chứa, đồng thời kiểm tra và thường xuyên theo dõi thông tin các khu vực hạ du có khả năng ảnh hưởng khi xả lũ hồ chứa.

Giao đơn vị chức năng chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở chia cắt giao thông. Sẵn sàng phương án cung cấp nhu yếu phầm thiết yếu, thuốc men, nước uống… cho số lượng lớn ngưởi dân để đảm bảo đời sống và sinh hoạt cho người dân trong vùng bị ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất và tác động do mưa, lũ; nắm bắt thông tin, cập nhật báo cáo tình hình mưa lũ, sạt lở đất, thiệt hại trên địa bàn về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Nguyễn Nga