Xây dựng kế hoạch hành động về giảm rác thải nhựa trong ngành thủy sản: Thúc đẩy các cam kết tự nguyện

Môi trường - Ngày đăng : 17:39, 25/09/2020

(TN&MT) - Sáng 25/9, tại Quảng Ninh, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) tổ chức hội thảo “Quản lý rác thải nhựa đại dương hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống của các loài thủy hải sản”.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản phát biểu tại hội thảo

Hội thảo nhằm hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động giảm ô nhiễm rác thải nhựa từ ngành thủy sản; chia sẻ kinh nghiệm địa phương trong công tác quản lý rác thải nhựa và hướng tới những cam kết tự nguyện nhằm giảm thiểu rác thải nhựa từ ngành thủy hải sản.  

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay. Hiện tại, lượng rác thải xốp sử dụng cho nuôi lồng bè tỉnh Quảng Ninh chiếm khoảng 50% số lượng lồng nuôi, và số lượng phao xốp có thể lên đến hơn 15.000 quả xốp. Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2020 của Ban quản lý vịnh Hạ Long, số lượng rác thu gom được ngoài vịnh là hơn 350 tấn và nếu không có giải pháp hữu hiệu để thay thế phao xốp hoặc gia cố phao xốp thì vấn đề ô nhiễm rác xốp trên biển sẽ ngày càng trầm trọng.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh

“Nhận thức rõ tầm quan trọng việc giảm rác thải nhựa trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Quy chuẩn địa phương về phao nổi cho ngành thủy sản tại Quyết định số 31/2000/QĐ-UBND. Trong thời gian tới, khi đã có công cụ quản lý, chúng tôi sẽ rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu được rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh”, ông Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.

Ông Jake Brunner – Giám đốc IUCN khu vực Indo-Burma chia sẻ tại hội thảo

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố ven biển cũng đã ban hành kế hoạch và triển khai kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa của địa phương. Vấn đề rác thải nhựa đại dương cũng đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự chung tay phối hợp của các tổ chức phi chính phủ và nhiều chuyên gia, nhà khoa học về quản lý môi trường, các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Do vậy, nhiều dự án thí điểm, nghiên cứu về rác thải nhựa đại dương đã  được các bên phối hợp triển khai.

“Đã có nhiều sáng kiến về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đã được thí điểm và triển khai ở các nước trên thế giới và ở Việt Nam, thay vì cấm đánh bắt cá, đẩy lùi các mô hình kinh doanh liên quan đến nhựa, chúng ta có thể ứng dụng những biện pháp mang tính hiệu quả hơn về mặt tài chính đồng thời giảm rác thải nhựa, hướng đến phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản. IUCN sẽ luôn đồng hành cùng với cơ quan chính phủ để tìm ra sáng kiến, cơ hội kinh doanh, cách tiếp cận mới để có thể giải quyết ô nhiễm trong ngành thủy sản”, ông Jake Brunner – Giám đốc IUCN khu vực Indo-Burma chia sẻ.

 cam kết tự nguyện giữa các bên về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản

Tại Hội thảo, Tổng cục Thủy sản đưa ra định hướng quản lý rác thải nhựa ngành thủy sản đến năm 2025, thông qua việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương, giảm thiểu 50% rác thải nhựa địa phương, 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mắc hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom… Dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, làm sạch rác thải nhựa tại các bãi tắm biển, 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải.

Quang cảnh buổi hội thảo

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe chia sẻ và định hướng của IUCN trong lồng ghép vấn đề rác thải nhựa vào bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường biển và đại diện GreenHub đã chia sẻ những kết quả và đề xuất từ dự án Vịnh Xanh.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng.

Trong khuôn khổ buổi Hội thảo đã diễn ra lễ ký cam kết tự nguyện giữa các bên về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản và các đại biểu cũng đã được tham gia thực địa tại Hợp tác xã Vạn Chài ở Vịnh Hạ Long để tham quan mô hình nuôi trồng thủy hải sản thân thiện với môi trường, sử dụng sơn Line-X để hạn chế các phao xốp tại các lồng bè nuôi thủy hải sản bị vỡ nhỏ.

 

Hoàng Ngân