Hơn 1.000 điểm khám chữa bệnh được kết nối với 27 bệnh viện tuyến trên

Xã hội - Ngày đăng : 14:14, 24/09/2020

(TN&MT) - Bộ Y tế cho biết, sau gần 3 tháng triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa, đã có trên 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với 27 bệnh viện Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ tại buổi lễ

Sáng ngày 24/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Lễ khánh thành kết nối 1000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa sẽ diễn ra vào 14h ngày 25/9/2020. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành y tế trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Đình Anh – Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế cho biết): Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Đề án án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định 2628/QĐ-BYT.

Với việc khám, chữa bệnh từ xa, người dân sẽ được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; đồng thời được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về Lễ khánh thành kết nối .1000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Việt Nam đã ngăn chặn kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong khi trên thế giới, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Một trong những nhóm giải pháp chúng ta áp dụng đó là Telehealth – tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bên cạnh việc điều trị tại chỗ, sự chi viện của đội ngũ các y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành. Những nỗ lực đó đã mang lại hiệu quả tốt trong công tác phòng chống COVID-19, đem lại sự tin tưởng của người dân.

“Đồng thời, đây là một giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Việc người dân được hưởng các dịch vụ và chăm sóc y tế ngay tại tuyến dưới giúp tiết kiệm chi phí, tăng cường sự hài lòng người bệnh. Người bệnh cũng hiểu rõ hơn những hoạt động chuyên môn đòi hỏi tập trung trí tuệ, sức lực của cán bộ y tế”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Bộ Y tế cho biết, sau gần 3 tháng triển khai Đề án, đã có 27 bệnh viện Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tham gia và kết nối được trên 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé.

Điển hình như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ tiến hành 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ 3 và thứ 5). Mỗi buổi, sẽ có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. Sau 5 tháng triển khai, BV đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn; 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối. Bệnh viện Bạch Mai sau 1 tháng triển khai đã tổ chức 9 buổi khám chữa bệnh từ xa, 4 buổi tư vấn phòng chống bệnh cho cộng đồng, 343 bệnh viện kết nối, 34 ca bệnh được khám và hội chuẩn. Trong đó, ngày 11/9, BV Bạch Mai hỗ trợ BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cứu sống bệnh nhân nữ sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút nhờ khám chữa bệnh từ xa.

Hoàng Ngân