Quản lý thống nhất, sử dụng hợp lý nguồn lực đất đai: Căn cứ quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững

Đất đai - Ngày đăng : 10:56, 24/09/2020

(TN&MT) - Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý đất đai, bảo đảm đất đai được quản lý thống nhất, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch lập Quy hoạch sử dụng đất nhằm cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai, cũng như phân công trách nhiệm cụ thể đối với các các Bộ, ngành, địa phương.

Liên quan tới vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Chu An Trường (ảnh), Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT). 

PV: Thưa ông, xin ông cho biết tình hình triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương?

Ông Chu An Trường:

Thực hiện Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ Lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1708/QĐ-BTNMT ngày 5/8/2020 của Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ngày 9/9/2020, Bộ TN&MT đã có Công văn số 4887/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020 và đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo để phục vụ công tác Lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Bộ.

Ông Chu An Trường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT)

Đối với công tác lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp tỉnh chưa được triển khai do đang thiếu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và các văn bản hướng dẫn triển khai. Để sớm triển khai công tác này, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ TN&MT và các Bộ có liên quan sớm hoàn thiện và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở triển khai thực hiện.

Đối với công tác lập quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện, ngày 3/9/2020, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 4744/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn các địa phương triển khai việc      lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ  2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện. Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực triển khai việc ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 như các tỉnh: Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Đồng Tháp...

PV: Để tháo gỡ những khó khăn trên, Tổng cục đã có những hoạt động nào để giúp các địa phương triển khai thực hiện, thưa ông?

Ông Chu An Trường:

Để triển khai thực hiện quy hoạch quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch   sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025, Tổng cục Quản lý đất đai đã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, về xây dựng chính sách, pháp luật: Tổng cục Quản lý đất đai đã chủ trì tham mưu để Bộ TN&MT trình Chính phủ xem xét ban hành định sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, trong đó, có hướng đến quy định việc khoanh vùng đất đai trong quy hoạch làm cơ sở để triển khai việc lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Ông Lưu Trọng Quang, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa: Đưa tài nguyên đất vào phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công văn về việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030.

Theo đó, xây dựng các phương án sử dụng đất đến năm 2030 để đáp ứng mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường trong phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để sử dụng tốt và hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần có giải pháp điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Thanh Hóa sau khi được Chính phủ phê duyệt. Tổ chức thực hiện nghiêm theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt để đảm bảo tính thống nhất, liên kết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh và của cả nước; đảm bảo sử dụng đất hợp lý, đúng mục đích, tiết kiệm và bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực của đất đai, phù hợp với điều kiện của từng vùng trong tỉnh.

Nhà nước cần có chính sách điều tiết giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất mang lại; điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; cải cách hệ thống thuế có liên quan đến đất đai và bất động sản nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng đất vì mục đích đầu cơ.

Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn trong sản xuất nông nghiệp. Có chính sách cụ thể đối với đất trồng lúa, giải pháp về đầu tư vốn, về khoa học công nghệ và kỹ thuật, về quản lý, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về đào tạo nguồn nhân lực

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền những vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Tuyết Trang (lược ghi)

Ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đất đai

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở TN&MT sẽ tăng cường triển khai các giải pháp như: tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng giá đất, tích tụ, tập trung đất đai; phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung giải quyết các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai.

Đồng thời, tăng cường công khai thủ tục hành chính về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá đất, quỹ đất cho đầu tư, các dự án được Nhà nước giao, cho thuê tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng trong tiếp cận đầy đủ về thông tin đất đai để chủ động nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện dự án.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các tổ chức kinh tế đang sử dụng đất nhưng chưa đăng ký đất đai, cấp Giấy CNQSDĐ để kịp thời hướng dẫn lập hồ sơ theo quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý việc sử dụng đất của các tổ chức; kiểm tra, thanh tra công vụ để đảm bảo các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục liên quan đến đất đai và việc thực thi của các cấp, các ngành có liên quan công khai, minh bạch, kịp thời, thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Sở TN&MT sẽ tăng cường, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh triển khai xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho các giai đoạn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 9741/UBND-VP ngày 9/9/2020 về việc lập Kế hoạch sử dụng đất thời ký 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021.

Linh Nga (lược ghi)

Ông Nông Văn Chiêm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng: Tập trung hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai

Tỉnh Cao Bằng đã xây dựng hoàn thành cơ sở địa chính của 7/10 huyện, thành phố, đáp ứng nhu cầu lưu trữ hồ sơ dạng số, in Giấy chứng nhận quyền sử  đất (GCNQSDĐ), trích lục địa chính, cung cấp thông tin về đất đai...

Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ TN&MT, tỉnh Cao Bằng đã và đang thực hiện Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”, bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, Dự án sẽ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc; hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (gồm các dữ liệu: địa chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thống kê, kiểm kê đất đai) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan.

Bên cạnh đó, người sử dụng đất, bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp được thụ hưởng kết quả dự án thông qua việc được cung cấp dịch vụ đất đai tốt hơn và được tiếp cận thông tin thuận lợi hơn.

Nguyễn Hùng (lược ghi)

Liên quan tới vấn đề này, ngày 29/12/2019, Bộ TN&MT đã có Tờ trình số 102/TTr-BTNMT trình Chính phủ, hiện nay, Dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ và đang được Chính phủ xem xét ban hành.

Bên cạnh đó, đã xây 2 Thông tư gồm: Thông tư quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (hiện đang lấy ý kiến các Bộ ngành và địa phương) và Thông tư ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (thay thế Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT về việc quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và Thông tư số 09/2015/TT-BTNMT về ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất) làm cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND các huyện thực hiện.

Thứ hai, về ban hành văn bản đề nghị các Bộ, ngành phối hợp báo cáo, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện: Như trên đã nói, Tổng cục đã trình Bộ ban hành Công văn gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ ngành có liên quan báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020 và đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030.

PV: Ông có thể nói rõ hơn những quy định dự kiến sẽ ban hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay?

Ông Chu An Trường:

Chúng ta đã biết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia thời kỳ 2010 - 2020 được lập trên cơ sở quy định của Luật Đất đai năm 2003, Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia được thực hiện trên cơ sở quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Tuy vậy, Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch năm 2017, tiếp đó Khoản 1 Điều 6 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch (sửa đổi, bổ sung Chương IV, Luật Đất đai năm 2013) đã quy định về các nguyên tắc, hệ thống, căn cứ, nội dung, trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch lập Quy hoạch sử dụng đất nhằm phân công trách nhiệm cụ thể đối với các các Bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, đã quy định phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh. Do đó, cần thiết phải rà soát lại các quy định tại các nghị định quy định về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.

Để hoàn thiện hành lang pháp lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định Khoản 1 Điều 6 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch cần thiết phải rà soát sửa đổi, bổ sung Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Khoản 8 và Khoản 10 Điều 2 Nghị định số 1/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Vì vậy, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai sẽ giải quyết được các vướng mắc trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.

PV: Sau khi quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội thông qua, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ có tham mưu gì với lãnh đạo Bộ TN&MT cũng như Chính phủ trong việc giám sát thực thi ở các địa phương, tránh việc thực hiện sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất?

Ông Chu An Trường:

Về chức năng quản lý Nhà nước của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương, trong thời gian tới Tổng cục Quản lý đất đai sẽ xem xét đề xuất một số giải pháp để tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương ví dụ như: Tập trung xây dựng, hoàn thiện, vận hành cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để theo dõi, quản lý và giám sát việc sử dụng đất đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2025 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt là căn cứ quan trọng để thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, và chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013:“Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định”.

Ứng dụng công nghệ viễn thám để theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, biến động sử dụng đất đặc biệt đối với các khu vực có biến động lớn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất tại địa phương. Kiến nghị lãnh đạo Bộ TN&MT thành lập các đoàn kiểm tra theo định kỳ và kiểm tra theo chuyên đề.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Trường Giang (thực hiện)