Xót xa cảnh hàng nghìn cây cao su “tan nát” vì bão số 5, dân khóc ròng

Xã hội - Ngày đăng : 10:10, 23/09/2020

(TN&MT) - Cơn bão số 5 đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế cách đây ít ngày đã khiến nhiều rừng cao su của người dân huyện Phong Điền ngã đổ. Nhiều hộ dân đứt từng khúc ruột, lâm vào cảnh nợ nần bởi đây là kinh tế chính bấy lâu nay...

Qua thống kê, toàn huyện Phong Điền có khoảng 1.700ha cây cao su, sau bão số 5 có hơn 1.000ha diện tích bị gãy đổ, trong đó xã Phong Mỹ thiệt hại đến 700ha

Phong Mỹ là điểm trồng cây cao su đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế và hiện là thủ phủ cây “vàng trắng” của huyện Phong Điền và tỉnh này

Nhờ cây trồng này mà hàng trăm gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn

Ghi nhận của PV, dọc bên tuyến đường nối từ trung tâm xã Phong Mỹ lên phía trên vùng Khe Mạ (xã Phong Mỹ), hàng vạn cây cao su có tuổi đời từ 8 - 20 năm bị bão quật gãy, đổ ngổn ngang. Nhiều chén còn đầy mủ dưới gốc úa màu vì nước mưa

Ông Trần Minh Nam (thôn Hưng Thái, xã Phong Mỹ) chia sẻ, diện tích của gia đình có gần 10ha, chủ yếu trồng từ năm 1995 - 1996 bị thiệt hại nặng

“Bây giờ phải tranh thủ cưa cây bán vớt vát được từng nào hay từng đó chứ cây cao su bị gãy đỗ nhiều quá, vài ba ngày nữa nhà máy họ không mua xuể...”, ông Nam xót xa nói

Những ngày qua, cao su được người dân cưa chặt, tập kết và đưa lên xe đi bán cho nhà máy tại Khu công nghiệp Quán Ngang (tỉnh Quảng Trị), qua đó tạm “vớt vát” được chừng nào hay chừng đó

Nhìn “vàng trắng” gãy đổ la liệt đang phải cưa hạ, người dân nơi đây như “đứt từng khúc ruột” bởi thiệt hại là quá nặng, ước tính hàng chục đến cả trăm triệu đồng

Mỗi tấn chở ra đến Quảng Trị bán được khoảng 520.000- 550.000 đống, trong đó tiền công cưa ít nhất 160.000 đồng/tấn, tiền xe chở 230.000 đồng nữa là hết gần 400.000 đồng, còn lại chỉ khoảng 100.000 đồng

“Nhà tôi có 11ha cây cao su đang tuổi thu hoạch mủ, chủ yếu trồng từ năm 1996- 2003, trong đó có 3ha cây hơn 10 năm mới mua hơn 700 triệu, mới thu hoạch mới được vài đợt thì gặp bão. Bao nhiêu năm ra sức chăm bẵm, giá mủ cao su vừa nhích lên, chưa kịp mừng thì bão đã quật tan hoang hết rồi...”, bà Nguyễn Thị Vân thổ lộ

Để giảm bớt thiệt hại, trước mắt người trồng cao su xã Phong Mỹ mong muốn chính quyền các cấp có biện pháp hỗ trợ tận thu mua gỗ cây, tránh để các thương lái chèn ép giá. Về lâu dài, cần có các chính sách ưu đãi đối với người trồng cao su như khoanh nợ, giải ngân vốn để trồng mới hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác

Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ - Nguyễn Hữu Chung cho hay, trước mắt thống kê tỷ lệ thiệt hại để có những giải pháp cũng như đề xuất cấp trên hỗ trợ người nông dân. Cụ thể, đối với những cây bị nghiêng, gãy cành thiệt hại dưới 50% sẽ vận động, khuyến khích người dân phục hồi dù năng suất cho mủ sẽ không còn như trước

Đối với diện tích bị ngã đổ thiệt hại hoàn toàn, trước mắt địa phương sẽ kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua gỗ cao su thanh lý cho người dân. Về lâu dài sẽ đề xuất hỗ trợ một phần giống, phân bón cho người trồng tái tạo vườn cao su...

Sau bão số 5, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đi kiểm tra tình hình cây cao su bị gãy đổ tại huyện Phong Điền và yêu cầu địa phương các cấp tiến hành nghiên cứu các phương án hỗ trợ, tìm kiếm nguồn tiêu thụ, thu hoạch diện tích cây cao su bị gãy đổ...

VĂN DINH