Gia Lai: Nhiều mô hình bảo vệ môi trường trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Môi trường - Ngày đăng : 11:22, 22/09/2020
Bà con tự phân loại rác thải tại nhà để bảo vệ môi trường |
Phân loại rác tại nguồn
Đầu tháng 3/2020, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai triển khai mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt” tại làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh), với 30 hộ tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 1 thùng đựng rác 2 ngăn và được hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải.
Bà Rơ Châm Poy (làng Hreng) cho biết, từ ngày tham gia mô hình phân loại rác, cả gia đình bà đều thực hiện vứt rác theo đúng hướng dẫn. Rác thải hữu cơ bỏ ra sau vườn làm phân bón cho cây, rác thải vô cơ được xe thu gom đến thu tận nhà. “Bây giờ bà con không còn vứt rác bừa bãi nữa, nhờ thế nhà cửa, sân vườn, đường làng sạch sẽ hơn trước rất nhiều”, bà Rơ Châm Poy nói.
Ngoài việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, xã Hòa Phú còn xây dựng được trên 60 thùng chứa bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Chính quyền xã Hòa Phú liên tục tuyên truyền để bà con nhận thức tác hại của bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật, từ đó ý thức trong việc thải bỏ chúng đúng nơi quy định.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú cho biết, mô hình thu gom và phân loại rác thải tại làng Hreng trở thành tấm gương để các làng khác trên địa bàn cùng triển khai. Những thay đổi tích cực về vệ sinh môi trường ở đây giúp bà con nâng cao nhận thức trong thực hiện, để làng Hreng tiến gần hơn đến danh hiệu làng nông thôn mới của xã Hòa Phú.
Chuồng bò họp vệ sinh được xây dựng ở làng Hreng |
Chăn nuôi hợp vệ sinh
Cũng tại làng Hreng, Hội nông dân tỉnh Gia Lai còn triển khai mô hình “Xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh”. Theo đó, 27 hộ tham gia được hỗ trợ vật liệu xây dựng chuồng trại và tập huấn cách vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải. Chuồng trại được xây dựng riêng bên ngoài, giúp bà con bỏ thói quen chăn nuôi thả rông, chăn nuôi dưới gầm nhà sàn, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Rơ Châm Jeo (làng Hreng) chia sẻ: “Được hỗ trợ vật liệu, mình làm lại chuồng bò và đào hố thu gom chất thải nên không còn tình trạng chất thải chảy tràn ra vườn mỗi khi trời mưa. Mình cũng biết sử dụng trấu để ủ phân bón nên đã cải thiện được mùi hôi. Chuồng bò luôn sạch sẽ, đàn bò cũng phát triển tốt, không bị bệnh”.
Bên cạnh các mô hình hỗ trợ xây dựng chuồng trại, dân làng Hreng còn được tham gia mô hình “Nuôi gà mía theo hướng san toàn sinh học”. Theo đó, bà con được cấp giống, hỗ trợ thức ăn, thuốc phòng bệnh và truyền đạt kỹ thuật nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Từ đó, giảm chi phí đầu tư, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Anh Rơ Châm Khoan (làng Hreng) phấn khởi: “Tham gia mô hình, tôi biết cách phòng bệnh cho gà, đặc biệt là rải trấu làm nền chuồng gà, trộn men sinh học vào trấu để giảm được mùi hôi và hạn chế được mầm bệnh gây hại cho gà. Nhờ đó, sau 4 tháng nuôi, đàn gà phát triển khỏe mạnh, ít phải sử dụng kháng sinh và có thể xuất bán. Với 500 con gà được cấp giống, tôi thu về hơn 50 triệu đồng”.
Mô hình nuôi gà mía theo hướng an toàn sinh học không chỉ giúp các hộ dân có thêm thu nhập mà còn thay đổi nhận thức, phương pháp nuôi gà, đặc biệt là biết tận dụng phụ phẩm sẵn có trong sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí. Đồng thời, bà con biết cách sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để giảm dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Gia Lai, từ năm 2019 đến nay, 220 cơ sở Hội Nông dân đã xây dựng được 222 mô hình: “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đồng thời, Hội cũng đã hỗ trợ và vận động xây dựng trên 8.700 nhà tiêu hợp vệ sinh; giúp đỡ hàng trăm hộ di dời chuồng trại gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn.
Ông Phạm Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay để hình thành thói quen thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong nhân dân. Đồng thời, Hội sẽ hướng dẫn nông dân áp dụng các hình thức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.