Nhiều nỗ lực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đất đai - Ngày đăng : 11:22, 22/09/2020
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ TN&MT cùng UBND các địa phương đã tập trung chỉ đạo và có nhiều nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy cấp Giấy chứng nhận cho người dân, doanh nghiệp góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Bộ TN&MT đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 30/QH12, trong đó, có yêu cầu “bảo đảm đến 31/12/2013 căn bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước”, tham mưu để Chính phủ ban hành các Chỉ thị số 1474/CT-TTg năm 2011 và số 05/CT-TTg năm 2013.
|
Trên cơ sở Nghị quyết số 30 và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị của địa phương, đồng thời, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Tư pháp làm việc, kiểm tra, rà soát tình hình cấp Giấy chứng nhận, tìm giải pháp tháo gỡ; thường xuyên kiểm tra các địa phương trong công tác cấp Giấy chứng nhận, qua đó phát hiện những khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thiện pháp luật liên quan đến cấp Giấy chứng nhận. Bằng các nỗ lực nêu trên, các địa phương đã đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.
Kết quả đến nay, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp GCN lần đầu tổng hợp từ kết quả thực hiện của các địa phương đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp (tăng lên 0,16%, tương đương khoảng 20.900 Giấy chứng nhận so với cùng kỳ năm 2018).
Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật đất đai.
Các địa phương đã đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu |
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn nhiều trường hợp do có vi phạm trong quản lý, sử dụng đất (đất lấn chiếm, giao trái thẩm quyền, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang làm nhà ở ...) đặc biệt, tại các dự án phát triển nhà ở, còn tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất bằng giấy tờ viết tay từ ngày 1/1/2008 trở lại đây.
Đáng chú ý, ở đô thị tồn tại tình trạng cơ quan, tổ chức bán nhà ở cho cán bộ, công nhân viên nhưng đơn vị chủ quản đã giải thể mà chưa thực hiện bàn giao nhà ở về cơ quan Nhà nước để làm thủ tục bán nhà cho người sở hữu nhà gắn với quyền sử dụng đất, một số trường hợp tự ý xây dựng trái quy hoạch, một số trường hợp hồ sơ quản lý nằm ở các cơ quan khác nhau do phân cấp quản lý trước đây (như cơ quan xây dựng, ban quản lý nhà ở đô thị, công ty quản lý nhà...).
Đồng thời, một số tổ chức đã giao đất cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở, tuy vậy, chưa thực hiện rà soát, bàn giao về địa phương; đối với các dự án phát triển nhà ở còn tình trạng chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng.
Một nguyên nhân khác là do chủ đầu tư không hoàn thành được nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất. Cụ thể, chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất, nhưng đến nay vẫn chưa được thông báo tiền sử dụng đất phải nộp. Nhiều dự án Chủ đầu tư đã đóng tiền sử dụng đất và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho một phần diện tích. Phần còn lại vẫn chưa được xem xét, tính toán, nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung. Bên cạnh đó, có chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc công trình dẫn tới phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung...