Hiệu quả thu phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp theo cơ chế đặc thù

Môi trường - Ngày đăng : 11:21, 22/09/2020

(TN&MT) - Triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM đã đẩy mạnh thực hiện thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố, mang lại nguồn thu hơn 48 tỷ đồng/năm.

Tổng số thu tăng 5 - 6 lần

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho hay: Việc thực hiện thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của HĐND thành phố Hồ Chí Minh, đạt mức thu tăng từ 5 - 6 lần so với thu theo quy định tại Nghị định 154/2016/NĐ-CP, trước đó mỗi năm TP.HCM chỉ thu được khoảng 8 tỷ đồng/năm. Nguồn thu từ phí BVMT đối với nước thải được Sở TN&MT nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước để có thêm một phần kinh phí cải thiện môi trường, hỗ trợ một phần cho công tác duy tu, vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và cơ sở hạ tầng của thành phố.

Theo đánh giá, việc thực hiện thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp theo Nghị quyết số 02 của HĐND TP.HCM đã có tác động đáng kể đến nhận thức về BVMT đối với các chủ nguồn thải. Phần lớn các doanh nghiệp thể hiện các hành vi tích cực như áp dụng nhiều cách thức cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu lượng nước sử dụng cũng như lưu lượng xả thải; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động BVMT trong cộng đồng nhằm nâng cao ý thức và đẩy mạnh công tác BVMT.

Theo khảo sát, có 50% - 70% các doanh nghiệp đã tiến hành cải tiến quy trình sản xuất thông qua các hoạt động tiết kiệm nước, thay thế đường ống bị rò rỉ, giảm lưu lượng xả thải và giám sát quy trình sản xuất tốt hơn. Đơn cử, Công ty TNHH Việt Nam Samho (Tỉnh lộ 8, ấp Thạnh An, xã Trung An, huyện Củ Chi) hoạt động sản xuất giày thể thao với quy mô công suất 11.000 công nhân viên, sản xuất 1.400.000 đôi giày/tháng đã có các biện pháp nhằm tiết kiệm nước sạch.

Cụ thể, Công ty TNHH Việt Nam Samho đã thay toàn bộ các vòi nước sạch khu vực rửa tay, rửa mặt, nhà ăn, nhà vệ sinh trong Công ty sang vòi nước tự động; rà soát lại toàn bộ hệ thống đường ống cung cấp nước sạch để phát hiện rò rỉ nước; tại các bồn xả nước khu vực nhà vệ sinh, Công ty đã giảm lượng nước xả thải bằng cách để gạch đinh vào trong các bồn xả nước để giảm thể tích bồn chứa. Với những biện pháp này, Công ty đã giảm xả thải ra môi trường khoảng 20.000 m3/quý, giảm xả thải ra môi trường 40% so với trước đây.

Mỗi năm, TP.HCM thu 48 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp

Tháo gỡ vướng mắc

Hiện nay, Sở TN&MT TP.HCM định kỳ thực hiện thẩm định lưu lượng và nồng độ ô nhiễm có trong nước thải để tính phí BVMT đối với nước thải công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung, tổng hợp, thống kê, rà soát danh sách các đối tượng thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố từ danh sách của UBND quận - huyện. Theo đánh giá của Sở TN&MT, đa số doanh nghiệp thể hiện thái độ tuân thủ tốt quy định về nộp phí và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02, nhưng vẫn còn tỷ lệ khá cao các doanh nghiệp (25%) chưa đóng phí đầy đủ, đúng hạn.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, các trường hợp vi phạm về kê khai, nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt này không có quy trình cụ thể, không có đơn vị tiếp nhận các trường hợp vi phạm để cơ quan chuyên môn của Sở TN&MT TP.HCM tổng hợp, chuyển hồ sơ vi phạm và tiến hành xử phạt theo quy định.

Ngoài ra, đối với các cơ sở đã xử lý nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn cho phép muốn tái sử dụng nước thải vào các mục đích như: tưới cây trong khuôn viên nhà máy, xịt rửa đường nội bộ… để tiết kiệm nước, giảm sử dụng nước sạch. Tuy vậy, hiện nay chưa có các quy định cụ thể trong việc tái sử dụng nước thải công nghiệp sau xử lý.

Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 5/5/2020 về phí BVMT đối với nước thải có hiệu lực từ 1/7/2020 quy định không thực hiện thu phí theo Hệ số K - Hệ số lưu lượng xả thải, được quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của HĐND TP.HCM, khiến cho số thu đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ giảm còn khoảng 12 - 13 tỷ đồng/năm.

Vì vậy, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục thực hiện thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng chịu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 02 đến khi có Nghị quyết mới thay thế. Sở TN&MT cũng kiến nghị Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố nghiên cứu xây dựng quy trình xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm về kê khai, nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp.

Triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội, HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 về điều chỉnh mức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố. Từ ngày 1/7/2018 đến nay, Sở TN&MT TP.HCM đã giao Chi cục Bảo vệ môi trường triển khai thực hiện thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp theo Nghị quyết số 02 của HĐND Thành phố. Theo thống kê, TP.HCM hiện có 17 khu công nghiệp (KCN) và 3.035 cơ sở ngoài KCN phải đóng phí BVMT đối với nước thải.

Nguyễn Quỳnh